![]() |
Ông Kim Woo-chung thời còn là Chủ tịch Daewoo. Ảnh: sejong society |
Tháng 5/1999, ông Roh Moo-hyun ra lệnh bắt giữ đặc biệt 31 doanh nhân, trong đó có một số giám đốc chi nhánh của Daewoo. Ông Kim đã bí mật trốn khỏi Hàn Quốc sau khi tự vẫn không thành. Năm 2001, ngành tư pháp Hàn Quốc ra trát bắt ông trên toàn thế giới và yêu cầu Cảnh sát quốc tế (Interpol) hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, người ta thỉnh thoảng vẫn nghe tin ông Kim đang ở đâu đó, như Pháp, một vài nước châu Phi và Đông Nam Á. Đầu năm 2005, một nhóm người Hàn Quốc tình cờ nhìn thấy ông Kim tại một khách sạn ở TP HCM dù cựu chủ tịch Daewoo đã cố gắng ẩn tích. Giữa năm đó, ông Kim quyết định tự nguyện trở về Hàn Quốc để đầu thú sau 6 năm lẩn trốn ở nhiều nước. Ông bị bắt giữ ngay tại sân bay quốc tế Incheon và sau đó bị xử tù.
Năm ngoái, ông bị tòa tuyên án 10 năm tù giam vì tội gian lận tài chính, biển thủ công quỹ và hàng loạt tội danh khác, sau khi đã đẩy Daewoo đi đến chỗ phá sản với món nợ hơn 80 tỷ USD.
Một thập kỷ trước, Kim Woo-choong là vua của một vương triều do chính ông gây dựng với cả hào quang rực rỡ và ám tối của một kẻ tội đồ. Từ một cậu bé bán báo rong, ông vay mượn 5.000 USD để thành lập xưởng dệt nhỏ năm 1967 với 5 cộng sự. Trong khoảng 3 thập kỷ, ông biến cơ sở này thành một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ôtô, quần áo, sản phẩm điện tử, bất động sản.
Cùng với các chaebol khác, Daewoo lớn mạnh và trở thành trụ cột của nền kinh tế Hàn, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa giới tài phiệt và chính trị gia. Sự thành công của Daewoo được ghi nhận bởi tài quản lý của ông Kim khi biến những công ty trên bờ vực phá sản thành các cỗ máy in tiền. Vào đầu những năm 1990, Daewoo đứng thứ hai trong số các tập đoàn Hàn Quốc về tài sản và thứ ba về doanh thu. Vào thời điểm cực thịnh, Daewoo có 150.000 công nhân, hoạt động trong 600 nhà máy ở Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Những tập đoàn kinh tế tư bản quy mô lớn, trong đó Daewoo, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng phi mã để từ một nước nông nghiệp nghèo nàn và kiệt quệ sau chiến tranh Triều Tiên 1953 vươn lên thành nước công nghiệp phát triển.
Cũng như Hyundai, Samsung, LG, Daewoo là một trong những niềm tự hào của người Hàn. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 đã làm rung chuyển hầu hết tập đoàn kinh tế của nước này, đồng thời nhấn chìm Daewoo.
Trong khi các tập đoàn phải cơ cấu lại mô hình hoạt động, bán bớt một phần cơ sở để tồn tại, ông Kim Woo-choong lại mắc một sai lầm nghiêm trọng là khai khống tài sản để vay tiền của nhiều ngân hàng với hy vọng cứu Daewoo khỏi sụp đổ dây chuyền. Số tiền khai khống lên tới 30 tỷ USD khiến khoản nợ trái phép các ngân hàng lên mức 10 tỷ USD.
Cơ cấu quản lý tài chính lỏng lẻo cộng với số nợ vay thêm khiến Daewoo càng lún sâu vào khủng hoảng, buộc phải tuyên bố phá sản. Ông chủ tịch tập đoàn lặng lẽ bỏ trốn khỏi đất nước năm 1999, để lại số tiền nợ trên 80 tỷ USD. Chính phủ Hàn Quốc buộc phải tiếp nhận và quản lý Daewoo, sau đó bán một nửa cơ sở sản xuất và chỉ giữ lại những ngành chính.
Chi nhánh sản xuất ôtô bị bán cho hãng General Motors (Mỹ). Giờ đây, Daewoo không còn là một tập đoàn như trước mặc dù nhiều công ty mua lại cơ sở sản xuất vẫn giữ nguyên thương hiệu Daewoo vang bóng một thời.
![]() |
Ông Kim đang được hai điều tra viên áp giải từ văn phòng công tố ở Seoul năm 2005. Ảnh: AFP. |
Kim Woo-choong về Hàn Quốc trên một chuyến bay từ Hà Nội. Khi đó, ông Kim không giấu nỗi đau: "Tôi trở về như một doanh nhân ngã ngựa, như con cáo hấp hối quay đầu về núi để nghiền ngẫm những vấn đề quá khứ của mình". Hiện ông Kim đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Sau khi được ân xá, ông hầu như không phát biểu nào trước công chúng. Tuy nhiên, ông Kim đã nhiều lần tâm sự sẽ trở lại Việt Nam sau khi được trả tự do.
Đối với Việt Nam, ông gắn bó từ đầu những năm 1990. Với tầm nhìn chiến lược và tham vọng mở rộng mạng lưới toàn cầu, ông Kim đã xúc tiến những dự án đầu tư lớn tại Hà Nội và TP HCM. Một số dự án đến nay vẫn thành công và mang lại tên tuổi cho Daewoo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một số dự án bất động sản quy mô lớn tại Hà Nội và trung tâm TP HCM bị ngừng lại do Daewoo phá sản.
Mái tóc bạc trắng và bước đi đã trở nên chậm chạp nhưng cựu chủ tịch tập đoàn vẫn còn khát vọng thương trường. Theo cộng sự của ông, nhiều khả năng ông Kim sẽ sớm trở lại Việt Nam nhằm khôi phục danh dự, uy tín của Daewoo cũng như của cá nhân sau những bước thăng trầm của cuộc đời.
Giờ đây được trở lại với tự do, ông Kim thấm thía hơn câu nói nổi tiếng của chính mình: "Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm". Đây cũng là tựa đề cuốn hồi ký của ông, vốn được bán chạy khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vũ Duy Hưng (từ Seoul)