Hơn 20 tuổi, Frank (sinh năm 1970) cố gắng kiếm tiền chân chính bằng cách mở xưởng sản xuất đệm phanh và giày dép tại quê nhà - thành phố Trois-Rivières, Quebec (Canada).
Kinh doanh khá thành công nhưng Frank nói không thích như vậy vì phải làm việc quá mệt mỏi. Hắn quay trở lại con đường phi pháp. Sau khi chấp hành xong án tù vì trồng cần sa, Frank nảy sinh ý định in tiền giả.
Trong nhiều năm, Frank nghiên cứu yếu tố bảo an của tiền USD. Mùa thu năm 2008, Frank liên hệ với nhiều xưởng sản xuất giấy ở châu Âu dưới danh nghĩa công ty ma với hy vọng tìm được nhà cung cấp. Hắn thường nói công ty mình đang tìm loại giấy cotton pha với linen (chất liệu chuyên dùng để in tiền) để in trái phiếu có yếu tố bảo an chống làm giả.
Frank lùng sục mạng internet để tìm kiếm nhà cung cấp ở Trung Quốc có thể bán mực in và giúp bắt chước các yếu tố bảo an khác. Sau khi nhận được lô giấy vào tháng 12/2009, Frank cùng nhiều đồng phạm làm việc liên tục trong 5 tháng. Cuối cùng, sử dụng hết lô giấy đã nhập, xưởng in phi pháp của Frank đã cho ra 250 triệu USD tiền giả mệnh giá 20 USD.
Khi bán, hắn lấy giá bằng 30% của tiền thật. Tới năm 2012, số đơn đặt hàng vẫn chưa đủ để làm vơi bớt 250 triệu USD tiền giả. Sợ nhà chức trách phát hiện, Frank đẩy mạnh quá trình tìm kiếm khách hàng mới, trong đó có một băng đảng đã bị cảnh sát ngầm thâm nhập.
Trên thực tế, nhà chức trách Canada từ lâu đã muốn truy ra kẻ kinh doanh loại tiền giả gần giống như thật này vì mức độ đe dọa tới nền kinh tế quá lớn. Nắm bắt thời cơ, cảnh sát ngầm đặt đơn 100.000 USD tiền giả để xác định nghi phạm Frank. Trong đơn hàng thứ hai, cảnh sát ngồi trực thăng bí mật theo dõi Frank trong khi hắn chuyển hàng cho trung gian.
Đã có bằng chứng, cảnh sát hoàng gia Canada cùng mật vụ Mỹ ập vào căn nhà Frank sống chung với bạn gái vào 5h sáng ngày 23/5/2012. Tại đây, nhà chức trách tìm thấy gần một triệu USD tiền giả nhưng không phát hiện Frank còn hơn 200 triệu nữa đã được giấu kĩ.
Sợ bị dẫn độ tới Mỹ, Frank đe dọa sử dụng lập luận pháp luật Canada quy định cảnh sát cần có bằng chứng rõ ràng mới được ra lệnh bắt. Vì camera giám sát của trực thăng chỉ quay được cảnh Frank lùi xe vào gara nên cảnh sát không trông thấy hắn trực tiếp giao tiền. Nếu lập luận này được tòa chấp nhận, toàn bộ cáo trạng với Frank sẽ bị thẩm phán bãi bỏ trên căn cứ lệnh khám không đúng thủ tục. Nhà chức trách Canada không muốn mạo hiểm nên tạm ngừng thủ tục dẫn độ Frank về Mỹ.
Thời gian sau đó, điều tra viên phát hiện Frank còn giấu số tiền giả nhiều kỷ lục trong lịch sử, có thể gây thiệt hại lớn nếu được đưa ra thị trường. Tìm kiếm không thành công, nhà chức trách buộc phải hứa sẽ trả tự do cho Frank nếu giao nộp số tiền giả và máy in tiền.
Dù đồng ý sẽ thả Frank, nhà chức trách vẫn có bước đi chiến lược để bắt nghi phạm phải đền tội. Họ hẹn ngày nhận tiền vào hơn một tháng sau và cho Frank được tại ngoại với hy vọng hắn tự làm lộ chỗ giấu tiền. Nếu có thể truy ra địa điểm kho tiền trước hạn chót, nhà chức trách vẫn có thể dùng đó làm bằng chứng buộc tội.
Trong hơn một tháng sau, điều tra viên huy động lực lượng theo dõi nghi phạm 24/24h nhưng vẫn không thành công. Tới ngày hẹn, nhà chức trách được Frank dẫn tới bãi đỗ xe địa phương, nơi 200 triệu USD tiền giả được đặt trong thùng xe tải. Số tiền này được để đó không người bảo vệ trong thời gian dài, thùng xe bảo vệ đơn giản bằng một ổ khóa.
Ngày 27/3/2014, nhà chức trách buộc phải bãi bỏ cáo trạng với Frank. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Frank phải ngồi tù 6 tuần (vừa đúng thời gian bị tạm giam trước đó) và phải trả 1.500 CAD tiền phạt cho số ma túy cảnh sát tìm thấy trong cuộc đột kích vào nhà riêng. Bản án này nhẹ hơn nhiều so với bản án 31 tháng tù của Éric Lefebvre, chuyên gia in tiền giúp sức tích cực cho Frank.
Tuy vậy, nhà chức trách Canada cho biết vẫn đang theo sát hành tung của Frank vì vẫn còn 50 triệu USD tiền giả chưa được tìm thấy.
Sau sự việc, Frank tỏ ra hối hận và nói sẽ không bao giờ động vào một đồng tiền giả nào khác trong đời. Ông ta nói giờ đã là chủ công ty chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về cách chống tiền giả với khách hàng là cơ quan chính phủ và tập đoàn lớn.
Quốc Đạt (Theo Vice, GQ, Business Insider)