George Economou, tỷ phú 70 tuổi sở hữu mạng lưới vận tải biển khổng lồ của Hy Lạp, đã chọn con đường kiếm tiền mạo hiểm mà nhiều đối thủ cạnh tranh không dám làm, đó là tiếp tục làm ăn với Nga, chuyển dầu của nước này tới khắp nơi trên thế giới.
TMS Tankers, một công ty trong mạng lưới của Economou, đã vận chuyển 10 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu của Nga kể từ khi Moskva mở chiến dịch ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, theo Global Witness, nhóm vận động kêu gọi siết lệnh trừng phạt với Nga. Điều đó khiến TMS trở thành công ty lớn thứ hai tham gia vận chuyển dầu Nga, sau tập đoàn nhà nước Nga Sovcomflot.
Nhiều người am hiểu về hoạt động của TMS, cũng như các nhà môi giới và công ty cạnh tranh, xác nhận điều này. 7 tập đoàn Hy Lạp, trong đó có TMS, nằm trong 10 đơn vị vận chuyển nhiều dầu Nga nhất kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Lượng dầu Nga mà các công ty Hy Lạp vận chuyển nhiều hơn 50% so với Sovcomflot.
Các tàu dầu của ông Economou đã thực hiện hơn 200 hành trình từ các cảng của Nga kể từ ngày 24/2/2022 cho đến cuối tháng 2 năm nay, theo Global Witness. Mỗi hải trình 60 ngày vận chuyển dầu từ Biển Baltic tới Ấn Độ và ngược lại có thể mang về cho Economou 4-5 triệu USD lợi nhuận, theo các chuyên gia trong ngành.

George Economou tại một diễn đàn tài chính - tàu biển Hy Lạp hồi tháng 10/2019. Ảnh: Marine Money
Hoạt động vận tải biển này giúp Nga duy trì nguồn thu từ dầu, cũng như giữ giá dầu toàn cầu trong tầm kiểm soát và mang lại lợi nhuận lớn cho một trong những ngành công nghiệp quyền lực nhất Hy Lạp. Song chúng cũng biến ông Economou trở thành tâm điểm chỉ trích ở Ukraine.
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần hối thúc doanh nghiệp Hy Lạp ngừng tham gia vận chuyển dầu Nga. Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thậm chí còn gọi lợi nhuận mà các công ty hàng hải Hy Lạp thu được là "tiền máu".
Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine đã viết thư cho ông Economou và TMS vào tháng 7 năm ngoái, yêu cầu công ty ngừng vận chuyển dầu Nga, nhưng không nhận được hồi âm. Cơ quan này sau đó đưa TMS lên đầu danh sách "nhà tại trợ chiến tranh quốc tế".
Chiến sự Ukraine và các lệnh trừng phạt phương Tây đẩy Hy Lạp vào tình thế khó khăn. Bất kỳ hạn chế nào đối với dòng chảy năng lượng Nga sẽ đe dọa ngành công nghiệp vận tải biển của họ.
Giới chức Hy Lạp nói rằng nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt, nhưng không thể làm gì nhiều để ngăn chặn hoạt động buôn bán dầu trên các vùng biển quốc tế.
Vấn đề đối với Ukraine là Mỹ vẫn muốn dầu Nga được lưu thông trên thị trường nhằm kìm hãm giá dầu toàn cầu. Lệnh trừng phạt của Washington và các đồng minh vẫn có những lỗ hổng để tàu phương Tây có thể vận chuyển dầu Nga, miễn là các lô hàng đó được bán với giá không vượt mức trần mà Nhóm G7 đã áp với dầu Nga.
Trước xung đột, Nga dựa vào các tàu chở dầu phương Tây để vận chuyển mặt hàng giá trị nhất của họ. Nhưng nhiều chủ tàu Mỹ và Bắc Âu đã rút khỏi lĩnh vực kinh doanh này, do lo ngại danh tiếng bị tổn hại hoặc vướng vào lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây.
Kể từ đó, phần lớn dầu Nga được vận chuyển bằng tàu do Nga sở hữu hoặc các đội "tàu tối" chuyên vận chuyển dầu bất chấp lệnh trừng phạt. "Tàu tối" là các phương tiện từng chuyển dầu cho Iran và Venezuela nhằm tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây, gần đây chuyển sang chở dầu thô Nga. Chúng thường che giấu hoạt động của mình bằng cách tắt bộ phát đáp AIS.
Các đội tàu Hy Lạp vận chuyển hết số dầu còn lại. Các nhà môi giới cho biết thương nhân thường phải trả cao hơn ít nhất 30% cho các tàu chở dầu Nga, so với dầu từ các nước không bị áp lệnh trừng phạt.
Michelle Wiese Bockmann, nhà phân tích tại công ty cung cấp thông tin vận tải Lloyd’s List Intelligence, cho biết các tàu chở dầu Hy Lạp chiếm 42% số phương tiện cập cảng tại 5 cảng của Nga ở Biển Baltic và Biển Đen trong tháng 3. Trước khi chiến sự bùng phát, tỷ lệ này khoảng hơn 30%.
Trong ngành vận tải biển lâu đời của Hy Lạp, Economou là người mới. Là con trai của một nhà sản xuất sản phẩm giấy ở Athens, ông học ngành vận tải biển và kiến trúc hải quân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Ông từng làm kỹ sư cho một công ty tàu ở Hy Lạp và chuyển sang các công việc vận tải biển ở New York, Mỹ trước khi mua con tàu đầu tiên năm 1986. Economou sau đó từng bước trở thành tỷ phú và sở hữu TMS.
Khi chiến sự Ukraine nổ ra, giá cước tàu chở dầu tăng vọt. Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp với Nga cũng tạo cơ hội kiếm tiền cho các chủ tàu, bất chấp những rủi ro có thể bị cuốn vào vòng trừng phạt.
Trong bối cảnh đó, Economou và các chủ tàu Hy Lạp khác đã cạnh tranh khốc liệt để vận chuyển dầu Nga. Họ thúc đẩy ký kết các thỏa thuận dài hạn với nhà cung cấp và thương nhân mà trước đó họ từng giao dịch.

Lacerta, tàu chở dầu trong mạng lưới của Economou, gần bờ biển Hà Lan. Ảnh: WSJ
Nhiều tàu của TMS ở vùng biển Nga được bảo hiểm tai nạn bởi Gard, công ty bảo lãnh Na Uy, yêu cầu họ phải vận chuyển dầu có giá dưới mức trần của G7. Để duy trì dịch vụ bảo hiểm này, TMS phải cung cấp tài liệu cho Gard thấy dầu mà họ vận chuyển không vi phạm lệnh trừng phạt.
"Gard có các thủ tục để đảm bảo chúng tôi luôn tuân thủ các biện pháp trừng phạt liên quan, bao gồm cả mức giá trần của G7", một người phát ngôn của công ty nói. TMS từ chối bình luận thêm về hoạt động kinh doanh của ông Economou.
Lukoil, công ty dầu lớn thứ hai ở Nga sau Rosneft và có một chi nhánh tên Litasco, là khách hàng lớn của TMS. Họ đã thuê hơn nửa số tàu của TMS rời cảng Nga trong hai tháng đầu năm nay, theo Global Witness. Các tàu này vận chuyển dầu thô và nhiên liệu của Lukoil tới Ấn Độ, Malaysia, Arab Saudi và một công ty lọc dầu Nga ở Bulgaria.
Một công ty con của Gazprom cũng thuê tàu của TMS trong vài tháng gần đây. "Họ có thể kiếm được rất nhiều tiền", Bockmann, nhà phân tích tại công ty cung cấp thông tin vận tải Lloyd’s List Intelligence, nói về Economou và mạng lưới tàu chở dầu của ông.
Thanh Tâm (Theo WSJ)