Ngày 5/10, tờ New York Times đăng bài viết tố cáo Harvey Weinstein - ông chủ hãng Weinstein kiêm nhà sản xuất nhiều tác phẩm đoạt Oscar. Theo hai cây bút Jodi Kantor và Megan Twohey, ông trùm sinh năm 1952 đã sàm sỡ ít nhất tám cô gái trong ba thập niên qua. Nhiều nạn nhân đã liên lạc, trình báo vụ việc và đưa ra một số tài liệu liên quan để tố cáo ông Harvey.
Một trong số nạn nhân là diễn viên Ashley Judd. Cô cho biết cách đây khoảng 20 năm, ông Harvey mời cô đến một khách sạn sang trọng. Ashley tưởng đây là cuộc gặp ăn sáng để bàn công việc nhưng khi tới bị yêu cầu đấm bóp hoặc phải xem ông tắm.
* Harvey Weinstein bị nhiều người tố cáo
Nhiều người khác tố cáo Harvey khỏa thân đứng trước mặt họ, yêu cầu họ đến khi ông đang tắm hoặc liên tục đòi được đấm bóp. Những cô gái này ở vào độ tuổi 20 đến 40 và sống ở nhiều thành phố khác nhau. Trong tập hồi ký năm 2015, cựu nhân viên Lauren O'Connor cho biết ông Harvey quấy rối tình dục cô trong hai năm làm ở hãng. Người khác tên Emily Nestor nói: "Khi tôi còn là sinh viên luật, ông Harvey mời đến ăn sáng, gạ gẫm và hứa hẹn giúp tôi thăng tiến. Ông ta cũng huênh hoang đã ngủ với hàng loạt nữ diễn viên nổi tiếng".
Mark Gill - cựu chủ tịch Miramax (công ty phim do Harvey Weinstein sáng lập trước khi nghỉ việc vào năm 2005) - cho biết môi trường làm việc của hãng rất tệ. "Ở bên ngoài, mọi thứ sáng chói như vàng với các giải Oscar, thành công và những tác phẩm có ảnh hưởng đến nền văn hóa. Nhưng bên trong là một mớ hỗn độn lớn nhất tôi từng thấy", ông chia sẻ.
Kathy DeClesis - trợ lý của Bob Weinstein (em trai Harvey Weinstein) vào thập niên 1990 - ghi nhận việc một cô gái trẻ đột ngột rời khỏi công ty sau cuộc gặp ông Harvey và sau đó nhận một khoản tiền để im lặng. Theo New York Times, có ít nhất bảy cuộc dàn xếp như vậy để che đậy hành vi của Harvey.
Trong các nạn nhân, một số cho biết không trình báo vì không có nhân chứng, sợ ông Harvey trả thù hoặc thấy xấu hổ. Nhiều người chỉ nói chuyện này với các đồng nghiệp. Hàng chục nhân viên và cựu nhân viên của Harvey nói họ biết các hành vi không đúng đắn của ông, nhưng chỉ một số ít từng chất vấn ông chủ. Theo một cựu nhân viên, ông Harvey đề ra "luật im lặng" và trong hợp đồng của các nhân viên có điều khoản không được chỉ trích công ty hay lãnh đạo theo cách có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức hay các nhân viên khác.
Theo Guardian, ông Harvey đã tạm nghỉ việc sau khi các scandal được công bố. Ông đưa ra lời xin lỗi công khai: "Tôi biết cách mình cư xử với các đồng nghiệp trong quá khứ đã gây nhiều đau đớn. Tôi thành thật xin lỗi vì điều đó. Dù đang cố cải thiện, tôi biết mình còn phải làm nhiều việc".
Tuy nhiên, trên Page Six, ông khẳng định nhiều lời tố cáo là giả và chuẩn bị kiện tờ New York Times. "Tôi chịu trách nhiệm với các hành động của mình, nhưng vẫn kiện vì tờ báo không thành thật với tôi và đăng tin bất cẩn. Họ đã tự suy đoán nhiều thứ", ông nói.
Harvey Weinstein sinh năm 1952, là nhà sản xuất và điều hành hãng phim nổi tiếng. Ông được xem là "ông trùm" của các phim độc lập, lần lượt thành lập các hãng Miramax vào năm 1979 và The Weinstein Company năm 2005. Nhiều phim của các đơn vị này như Pulp Fiction, Sex, Lies, and Videotape, Shakespeare in Love, Inglorius Basterds, The King's Speech, Django Unchained, Silver Linings Playbook đoạt giải thưởng và gây tiếng vang toàn thế giới.
* Weinstein cùng êkíp "Shakespeare in Love" nhận giải Oscar
Bản thân ông có một giải Oscar trên cương vị nhà sản xuất khi Shakespeare in Love giành giải "Phim xuất sắc" năm 1999. Harvey Weinstein từng đến Việt Nam năm 2015 để thăm Ngô Thanh Vân trên phim trường Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Ân Nguyễn