Ngày 24/7, phiên xét xử các sai phạm trong hệ thống Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo thuộc các trung tâm do Trần Lập Nghĩa - "trùm" đăng kiểm miền Tây, làm chủ.
Là người đầu tiên trong nhóm bị thẩm vấn, ông Nghĩa khai làm chủ 5 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp. Bị cáo cũng thừa nhận cáo trạng truy tố mình về các tội Nhận hối lộ, Giả mạo trong công tác và Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác là đúng.
Ngoài ra, ông "trùm" đăng kiểm này cũng thừa nhận nhiều lần đưa hối lộ cho Cục trưởng Đăng kiểm Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà, mỗi tháng 40-50 triệu đồng, nhưng không nhớ bao nhiêu lần, cũng như tổng số tiền.
"Bị cáo đưa tiền xuất phát từ sự tự nguyện chứ không chịu áp lực gì. Định kỳ 2-3 tháng bị cáo bay ra Hà Nội gặp ông Hình, Hà một lần tại phòng làm việc để đưa", Nghĩa nói và cho biết bắt đầu đưa tiền hối lộ từ khi Trung tâm Đăng kiểm tại Sóc Trăng hoạt động được 6 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Nghĩa đã có đơn tự tố giác hành vi phạm tội trước khi bị phát hiện, nên cơ quan điều tra không xử lý về hành vi đưa hối lộ.
Ông Nghĩa cũng thừa nhận chỉ đạo, điều hành toàn bộ ban giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên tại các trung tâm, vì thế việc nhận hối lộ tại các trung tâm cũng do bị cáo chỉ đạo. Doanh thu và tiền phạm tội mà có bị cáo là người hưởng lợi, nhân viên chỉ được hưởng lương định kỳ. Nghĩa đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 2 tỷ đồng từ cấp dưới tại 3 trung tâm đăng kiểm.
Ngoài hành vi nhận hối lộ, ông Nghĩa bị cáo buộc hưởng lợi từ hành vi giả mạo trong công tác. Cụ thể, do các trung tâm thiếu đăng kiểm viên và đăng kiểm viên bậc cao theo quy định, nên Nghĩa đã chỉ đạo cấp dưới, nhân viên tại 3 trung tâm (62-03D, 71-02D và 83-02D) giả chữ ký của "đăng kiểm viên ảo"; mặc đồ đóng giả đăng kiểm viên để kiểm định phương tiện hoặc đối phó với Cục Đăng kiểm và cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Nghĩa phải chịu trách nhiệm đối với 975 chữ ký giả đăng kiểm viên, cấp hơn 45.000 giấy chứng nhận kiểm định, thu lợi 12,7 tỷ đồng.
Trả lời tòa, ông Nghĩa thừa nhận hành vi trên nhưng cho rằng "các số liệu cáo trạng nêu là quá lớn", bản thân không biết chính xác số tiền hưởng lợi từ việc ký giả chữ ký của đăng kiểm viên. Theo bị cáo, việc thiếu đăng kiểm viên chỉ diễn ra ở một số giai đoạn, nên số giấy chứng nhận kiểm định không thể nhiều như thế.
Nghĩa cũng thừa nhận đã mua phần mềm Formi1 (MDO.exe) để xâm nhập vào dữ liệu của Cục Đăng kiểm để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại trung tâm 71-02D do mình làm chủ.
Cuối cùng, ông "trùm" đăng kiểm miền Tây trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị tòa xem xét.
Trước đó, Nghĩa bị TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm, phạt 29 năm tù về các tội Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác về các hành vi sai phạm tương tự xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 66-02D đóng tại địa phương này.
Được thẩm vấn sau đó, các bị cáo nguyên là phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên tại trung tâm đăng kiểm của Nghĩa cũng thừa nhận hành vi nêu trong cáo trạng. Họ cho rằng mình là người làm công ăn lương, nên phải thực hiện theo chỉ đạo của Nghĩa. Một số bị cáo cho biết, do bị chỉ đạo thực hiện các hành vi trái pháp luật nên đã xin nghỉ việc trước khi bị khởi tố.
Đây là vụ án có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay. Trong đó, ông Đặng Việt Hà và người tiền nhiệm Trần Kỳ Hình được xác định có vai trò cầm cầu. Ông Hà bị truy tố về tội Nhận hối lộ; ông Hình ngoài tội này còn bị cáo buộc hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với hơn 250 bị cáo còn lại, VKS truy tố về các tội danh: Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản...
Chiều nay, phiên xử tiếp tục với phần thẩm vấn nhóm bị cáo thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50-03; 50-5V.
Hải Duyên