Kaisa đã mua 4 khu đất tại Hong Kong với giá 7,1 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) năm ngoái, theo tài liệu nộp lên sàn chứng khoán. Một trong những vụ đầu tư gần nhất của tập đoàn này là 50% cổ phần một mảnh đất xây nhà ở khu Kai Tak trị giá 3,2 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tham vọng của gia đình này còn vượt ra ngoài bất động sản. Kwok Hiu Ting - con gái tài phiệt Kwok Ying Shing đã mua cổ phần lớn tại Sing Tao News Corp - một trong những tờ báo có lượng phát hành nhiều nhất Hong Kong. Thương vụ khiến nhiều người ngạc nhiên do cả Kaisa và những người thừa kế công ty này đều không nổi tiếng ở Hong Kong.
Kwok năm nay 56 tuổi, đã giữ chức chủ tịch từ khi công ty này mới thành lập. Bloomberg Billionaires Index năm 2017 ghi nhận ông sở hữu 24% cổ phần Kaisa trị giá 948 triệu USD. Ngoài ra, khi đó, ông còn nắm 8% hãng bán lẻ đồng hồ Hengdeli Holdings và hãng sản xuất linh kiện điện tử Mega Medical Technology.
Những động thái của Kwok cho thấy tầm ảnh hưởng của giới thượng lưu Trung Quốc đại lục tại Hong Kong ngày một tăng khi vị thế trung tâm tài chính toàn cầu có dấu hiệu lung lay. Nếu so với các tài phiệt bất động sản địa phương, sự hiện diện của họ vẫn còn khá nhỏ. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đại lục được dự báo ngày càng thống trị tại Hong Kong nhờ các chính sách gần đây của giới chức Trung Quốc.
Gary Ng - nhà kinh tế học tại Natixis cho biết chính quyền Bắc Kinh muốn nhiều công ty Trung Quốc hơn đến Hong Kong để tăng niềm tin kinh doanh và tạo thêm việc làm. "Họ sẽ tăng tuyển dụng tại Hong Kong để giúp chính phủ ổn định tác động tiêu cực của tình hình hiện tại, cả về kinh tế và chính trị", ông nói.
Dòng tiền từ Trung Quốc đang tạo động lực cho thị trường bất động sản Hong Kong đúng thời điểm nhiều người lo ngại dòng vốn tháo chạy khỏi thành phố này. Các ngân hàng toàn cầu đang dần bỏ văn phòng tại đây. Nhiều người dân cũng cân nhắc rời Hong Kong để đến Anh.
Cushman & Wakefield cho biết một chỉ số đo nhu cầu văn phòng tại Hong Kong đã ghi nhận quý giảm kỷ lục trong quý trước. Ngược lại, Kaisa cho biết: "Công ty nhận thấy tiềm năng thị trường Hong Kong rất hấp dẫn. Kaisa Group tự tin về triển vọng của Hong Kong trong dài hạn". Tập đoàn này khẳng định sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại đây.
Kaisa thành lập năm 1999 bởi Kwok và các anh em của ông, một năm sau khi Trung Quốc hợp pháp hóa việc sở hữu bất động sản. Tập đoàn này nổi lên nhờ cải tạo các bất động sản bị bỏ không, như tòa tháp 51 tầng Guangzhou Zhongcheng Plaza.
Dĩ nhiên, Kaisa thỉnh thoảng cũng gặp rắc rối. Cuối năm 2014, họ bị điều tra vì tình nghi liên quan đến Jiang Zunyu – cựu quan chức Thâm Quyến bị kết tội hối lộ. Khi đó, giới chức đã chặn các thương vụ của công ty này tại Thâm Quyến. Chủ tịch Kwok từ chức vào tháng 12 cùng năm, nhưng tái xuất 4 tháng sau đó, cam kết thúc đẩy tăng trưởng cho hãng này. Kaisa cuối cùng cũng không bị phạt và được giới chức gỡ bỏ lệnh cấm.
Dù vậy, việc bị cấm cũng khiến họ cạn kiệt dòng tiền và trở thành hãng bất động sản đầu tiên của Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu niêm yết bằng đồng đôla. Giai đoạn 2015 – 2016, họ vỡ nợ với ít nhất 6 loại trái phiếu tổng trị giá 2,5 tỷ USD.
Công ty này cho biết họ hiện rót vốn cho 4 dự án ở Hong Kong, bằng cả nguồn lực nội bộ và vốn vay ngân hàng. Họ cũng phát hành cổ phiếu để huy động thêm 2,6 tỷ đôla Hong Kong (334 triệu USD) để mua dự án bất động sản ở Bắc Kinh.
Nền tảng tài chính của Kwok và Kaisa phức tạp hơn nhiều các tài phiệt Hong Kong – vốn nổi tiếng với sự ổn định tài chính. Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Kaisa năm ngoái là 97%. Trong khi đó, CK Asset Holdings chỉ là 6,9% và Sun Hung Kai Properties là 13,6%.
Kaisa không phải hãng bất động sản duy nhất từ Trung Quốc đại lục đang tấn công sang thị trường Hong Kong. China Evergrande Group và China Vanke đã có nhiều dự án nhà ở được rao bán tại đây vài năm qua. Evergrande thậm chí mua một lô đất lớn từ Henderson Land Development cách đây một năm với kế hoạch tạo ra biệt thự lớn nhất thành phố này.
Sự thống trị của các công ty Trung Quốc tại Hong Kong đang tăng dần trong thập kỷ qua. Năm 2008, các công ty từ Trung Quốc đại lục chỉ đóng góp chưa đầy 5% mặt bằng văn phòng hạng A tại khu Central. Hiện tại, theo Savills, tỷ lệ này đã lên đến 30%.
Con số này sẽ còn tiếp tục tăng, nếu coi Kaisa là chỉ báo. "Sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc tăng hiện diện ở Hong Kong hơn nữa", Ng nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)