Ngày 6/3, hồ sơ sai phạm của ông Trần Vĩnh Tuyến, 56 tuổi; Trần Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng; Lê Tấn Hùng (58 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) và 13 người khác được Cơ quan điều tra Bộ Công an chuyển sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản...
Đối với ông Tuyến, cơ quan điều tra cho rằng, khi là Phó chủ tịch UBND TP HCM đã cùng các cấp dưới xâm phạm nghiêm trọng đến chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước.
Năm 2016, Phó chủ tịch đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, quận 9, cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Quyết định này được ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Giám đốc Trần Trọng Tuấn ký.
Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú là 72%. Sagri chuyển nhượng vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng công ty Cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cũng bị cho là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ; ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Cổ phần Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận (tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh) là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri.
Khi sai phạm bị phát hiện, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Sagri và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây và "cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau". Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do Bộ Công an vào cuộc điều tra, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng.
Theo cơ quan điều tra, sai phạm của ông Tuyến, Tuấn, Hùng và các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 (tại thời điểm chuyển nhượng dự án), còn tính đến thời điểm khởi tố vụ án thiệt hại là 672 tỷ đồng.
"Các bị can trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội đã có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong quyết định số 6077/QĐ-UBND chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án rồi mới giao cho các sở, ngành liên quan thực hiện các nghĩa vụ hòng trốn tránh trách nhiệm hình sự", kết luận điều tra nêu.
Quốc Thắng