Quan điểm này được ông Trần Tuấn Anh đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM, chiều 10/4. Đây là chuyến công tác đầu tiên của ông, sau khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Theo ông Tuấn Anh, tự chủ đại học là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, việc triển khai trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp cho tự chủ đại học hiện còn chưa đồng bộ, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đồng tình với các ý kiến trao đổi của lãnh đạo, nhà khoa học trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng hiện có nhiều điểm chưa đồng bộ trong các quy định thực hiện tự chủ đại học liên quan với các quy định cán bộ công chức, viên chức, tài sản, tài chính... Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Hội đồng trường được đề ra tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
Theo ông, tự chủ đại học là một quá trình, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sắp tới, các cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên sớm hoàn thiện các luật hoặc ban hành các nghị định hướng dẫn để tạo thuận lợi và sự đồng bộ cho việc thực hiện tự chủ đại học.
Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị của Đại học Quốc gia TP HCM. Trong tương lai, ông đề nghị đại học xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng khoá XIII, trong đó có 3 đột phá chiến lược gắn với thực tiễn phát triển của TP HCM và các tỉnh Nam Bộ; phối hợp triển khai các đề án tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.
Cũng về vấn đề tự chủ, PGS Vũ Hải Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM) nói đây là đại học đầu tiên có mô hình "hội đồng đại học". Mô hình này đã giải quyết được các vấn đề quan hệ bên trong, giữa Đại học Quốc gia với các cơ quan Chính phủ.
Đại học Quốc gia TP HCM được thành lập 26 năm trước, hiện có 38 đơn vị, trong đó 7 trường đại học thành viên, một viện nghiên cứu và hai khoa trực thuộc. Các trường đang chuyển đổi cơ chế theo hướng tăng dần tính tự chủ. Ngoài trường Đại học Quốc tế, sắp tới sẽ có 3 trường thành viên thực hiện tự chủ gồm Đại học Bách khoa, Kinh tế - Luật và Công nghệ Thông tin.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt "đặt hàng" Đại học Quốc gia TP HCM nhiều "bài toán" về cơ chế đột phá, quy trình quản lý khoa học công nghệ.
Thứ nhất là việc thử nghiệm chính sách triển khai và ứng dụng các công nghệ mới để thúc đẩy việc chuyển giao, khai thác và thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học. Bởi rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các đại học đang "tắc" trong việc chuyển giao.
Thứ hai là vấn đề thử nghiệm cơ chế "khoán đến sản phẩm cuối cùng" với các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo quy định, hiện có những nhiệm vụ được khoán và không được khoán.
"Sắp tới, chúng ta xin khoán hoàn toàn với tinh thần tôn trọng tính đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro. Đại học Quốc gia có thể chọn 5 hoặc 10 nhóm nghiên cứu tiêu biểu để thực hiện chính sách này", ông Đạt đặt vấn đề.
Bộ trưởng Đạt cũng đề xuất Đại học Quốc gia TP HCM chủ động triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhất là ngành thế mạnh Toán học, Vật lý, Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất. Đồng thời, đại học này được đề nghị giúp Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thị trường khoa học công nghệ tại Đồng bằng sông Cửu Long trong một dự án Bộ được giao.