Cùng với ông Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân bị đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với chức danh Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongA Bank).
Ngân hàng Nhà nước lý giải quyết định đình chỉ các chức danh chủ chốt nói trên nhằm đảm bảo DongA Bank hoạt động an toàn, ổn định, đúng pháp luật, sau khi phát hiện nhiều vi phạm pháp luật tại ngân hàng này.
Cũng trong ngày 20/8, Ngân hàng Nhà nước quyết định trưng tập 2 cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thay thế đảm nhận hai chức danh nói trên. Trong đó, ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng BIDV được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm Tổng giám đốc DongA Bank. Còn ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc chi nhánh Sở Giao dịch 2 BIDV được chỉ định thay bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.
Theo quy định hiện hành, việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm các chức danh trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành ngân hàng cổ phần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi đem ra xin ý kiến cổ đông thông qua chính thức. Trong trường hợp của DongA Bank và một số ngân hàng trước đó, Ngân hàng Nhà nước phải ra quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với các chức danh quản lý cấp cao vì cho rằng có dấu hiệu sai phạm và xem đây như một hình thức xử lý bắt buộc mà không chờ ý kiến cổ đông.
Ông Trần Phương Bình đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị từ 2013 đến nay. Ông sinh năm 1959, là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và dẫn dắt ngân hàng phát triển trong hơn 23 năm qua. Sát cánh cùng ông là vợ, bà Cao Thị Ngọc Dung - từng đảm nhận vai trò Chủ tịch DongA Bank thời đầu, sau lui về làm cố vấn và tập trung quán xuyến công việc tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nơi bà đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, sinh năm 1970, là thạc sĩ quản trị kinh doanh, giữ vị trí Phó tổng giám đốc thường trực từ năm 2001.
Hoạt động rút tiền tại DongA Bank đã giảm hẳn trong ngày 19/8, nhiều người đã gửi tiết kiệm trở lại. |
DongA Bank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước công khai thông tin. Trao đổi với VnExpress chiều 19/8, ông Trần Phương Bình cho biết tin kiểm soát đặc biệt phát đi vào 13/8 phần nào tác động đến tâm lý khách hàng. Trong 4 ngày từ 14-18/8 (trừ chủ nhật), chênh lệch số tiền gửi vào và rút ra trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm và thanh toán qua tài khoản ngân hàng bị âm 4.834 tỷ đồng (trong đó tiền rút ra 15.424 tỷ đồng và gửi vào là gần 10.592 tỷ đồng). Ngày có số âm chênh lệch cao nhất là 17/8 - âm 2.377 tỷ đồng.
"Ngoài ra, số vàng giữ hộ trong bốn ngày qua cũng sụt giảm hơn 7.400 lượng. Toàn bộ số tiền, vàng này đều do DongA Bank tự đảm bảo chi trả, và chưa sử dụng bất cứ nguồn vay cấp vốn nào từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác", ông Bình nói.
Tuy nhiên, sau vài ngày sóng gió, nhờ nền tảng hoạt động khá tốt trước đây, cộng với sự tín nhiệm cao từ khách hàng cũng như cam kết hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, hiện DongA Bank đã dần ổn định được tâm lý của người gửi tiền, thanh khoản tốt. Việc rút tiền ngày 19/8 gần như giảm hẳn, khách bắt đầu gửi tiết kiệm trở lại, thanh khoản của ngân hàng vẫn đảm bảo ổn định trong nhiều ngày tới.
Ông Bình cho biết thêm, đến cuối ngày 18/8, tổng tài sản có tính thanh khoản cao của ngân hàng là gần 18.500 tỷ đồng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trong đó, tồn quỹ tiền mặt hơn 5.700 tỷ đồng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng, tín phiếu Chính phủ gần 1.600 tỷ đồng, trái phiếu BIDV 500 tỷ đồng và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác là hơn 1.000 tỷ đồng.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, những ngày qua mọi hoạt động chi trả đều trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Đông Á . "Ngân hàng này chưa cần sự hỗ trợ nào từ Ngân hàng Nhà nước. Với tình hình hiện nay, thanh khoản của DongA Bank vẫn đủ khả năng chi trả trong thời gian tới", ông Minh nhấn mạnh.
Trước đó, khi chưa có lệnh kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Đông Á đã có văn bản xin Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian đến cuối năm để xây dựng đề án cơ cấu lại. Có hai phương án chính là tăng cường xử lý nợ xấu và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó phương án hai là giải pháp tốt nhất. Trong kế hoạch tăng vốn này, lãnh đạo Ngân hàng Đông Á có dự định bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tới 49% và hỗ trợ tài chính để nhà băng xử lý nợ xấu.
Tính đến 13/8/2015, tổng tài sản của Ngân hàng Đông Á đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ, tương đương 3,37% so với năm 2014. Tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư hơn 81.400 tỷ đồng, tăng 4,9%; dư nợ cho vay khách hàng gần 51.200 tỷ đồng, tăng 1.262 tỷ đồng, tương đương 2,43% so với đầu năm 2015.
Lợi nhuận trước thuế 7 tháng đầu năm 2015 hợp nhất đạt 106 tỷ đồng, trong đó ngân hàng và 2 công ty trực thuộc là Công ty Chứng khoán Đông Á và Kiều hối Đông Á đều có lợi nhuận. Hiện tại, DongA Bank đã triển khai 94 điểm Auto Banking, kế hoạch đến tháng 8/2015 nâng lên 110 điểm và đến cuối năm 2015 dự kiến đạt 150 điểm. Và cuối tháng 7, nhà băng này đã có hơn 1.121 ATM trên cả nước.
Lệ Chi