Sáng 5/6, tại phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt đã bày tỏ lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hai nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng).
"Hai nhà máy này đã 3, 4 lần xảy ra sự cố kỹ thuật, hệ thống xử lý môi trường xuống cấp sau 9 năm sử dụng, gây ra nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và là thảm hoạ nếu để xảy ra vỡ hồ thải, hồ bùn đỏ", ông Vượt nói và đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên cho biết thực trạng, giải pháp gì để phòng ngừa sự cố.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hà cho hay, qua kiểm tra thực tế tại nhà máy Alumin Nhân Cơ cho thấy có sự cố nhưng "chỉ là rò rỉ chứ không phải là những sự cố có thể gây ra vấn đề khủng hoảng lớn về môi trường". Bộ Tài nguyên đã có chấn chỉnh và hiện giám sát thường xuyên.
Cũng theo lãnh đạo ngành Tài nguyên, việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn đỏ được thực hiện theo ba lớp, trong đó lớp thứ 2, 3 để phòng khi có vỡ lớn hoặc sạt lở. Độ bền của những hồ trên đã được các cơ quan liên quan, Bộ Xây dựng thẩm định.
“Với những biện pháp đảm bảo môi trường hiện nay thì chúng ta có thể yên tâm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về hiệu quả kinh tế của hai nhà máy Alumin, lãnh đạo Bộ Tài nguyên thông tin giá Alumin đang lên. "Ngành than vừa rổi thắng lợi lớn chính là nhờ giá Alumin lên cao, hiện không đủ để xuất khấu", ông Hà cho hay.
Hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, có công suất mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm (sau điều chỉnh). Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp quyền thăm dò, khai thác cho TKV để thực hiện khai thác bô xít, alumin. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các mỏ tại Tân Rai là 297,4 tỷ đồng, chia thành 21 lần nộp; dự án Nhân Cơ là 345,5 tỷ tương ứng 15 lần nộp.
Ủng hộ phương án không nhận chìm vật chất xuống biển
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, vừa qua Bộ Tài nguyên có văn bản hỏi ý kiến của tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với gần 1 triệu m3 vật chất của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống vùng biển Hòn Cau.
"Ý kiến của tỉnh Bình Thuận là chọn phương án dùng khối lượng nạo vét để san lấp lấn biển, chống xói lở bờ biển chứ không nhận chìm. Hướng xử lý giải quyết vấn đề này của Bộ trưởng?", ông Cảnh nêu.
Cũng đề cập tới vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, vấn đề giao khu vực biển để nhấn chìm chất nạo vét lòng sông, cảng biển hiện có vướng mắc, vậy Bộ Tài nguyên xử lý như thế nào?.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ sự đồng tình với ý kiến của ông Huỳnh Thanh Cảnh về việc không nhận chìm 1 triệu m3 vật chất. Ông đề nghị tỉnh Bình Thuận phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn và phê duyệt các phương án liên quan tới việc thay nhận chìm bằng phương án tận dụng vật chất để lấn biển, chống sạt lở hoặc tạo ra những mục đích khác trong phát triển kinh tế.
"Nếu địa phương làm được việc đó thì Bộ Tài nguyên Môi trường hết sức hoan nghênh", ông Hà bày tỏ quan điểm.
Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến, lãnh đạo Bộ Tài nguyên cho hay, chất nạo vét trên các luồng lạch, cửa sông, cảng biển là vật liệu bình thường, chỉ là cát và các loại vật liệu tự nhiên. Trên thế giới, công tác nhận chìm vẫn diễn ra bình thường, nhưng cần tiến hành cẩn thận để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như cần có đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên cũng thừa nhận "chúng ta đang lúng túng" vì chưa làm tốt quy hoạch không gian biển, trong khi đó Luật quy hoạch Quốc hội chưa phê duyệt.
"Khi phân vùng nhận chìm chất nạo vét ở đâu thì địa phương và Bộ Tài nguyên có thể đánh giá tác động môi trường, tránh gây đột biến trong nuôi trồng thủy sản các vùng, đồng thời bảo tồn và phát triển các cây giống loài thủy sản", ông Hà nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Quốc Thưởng về biện pháp giám sát môi trường ở Formosa Hà Tĩnh để không xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng như trước đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau sự cố cơ quan chức năng đã thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. "Chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giám sát trực tuyến" đồng thời đưa ra 3 mức đề phòng sự cố (nơi sản xuất; trong nhà máy và ngoài nhà máy)", ông Hà nói. Lãnh đạo ngành tài nguyên cho rằng, giám sát khâu nào chặt chẽ khâu đó thì không ngành nghề nào để xảy ra ô nhiễm được. |
Ban thời sự