"Tất cả những gì tôi có khi đó là niềm đam mê và không sợ hãi", Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát hồi tưởng khi chia sẻ với Bloomberg gần đây. Khởi đầu bằng lĩnh vực phân phối máy móc thiết bị, kinh doanh đồ nội thất, nhưng thép mới là mảng làm lên tên tuổi của Hòa Phát. Hơn hai thập kỷ sau khi công ty thép ra đời, tập đoàn hiện giữ thị phần đứng đầu về thép xây dựng tại Việt Nam.
Năm nay, cái tên Hòa Phát càng được nhắc đến nhiều hơn khi cổ phiếu HPG có mức tăng cao nhất nhóm bluechip, nhờ lợi nhuận đạt kỷ lục và việc giành thêm thị phần từ đối thủ bất chấp đại dịch. Đến phiên gần nhất, thị giá của HPG đạt hơn 44.500 đồng, gấp hơn ba lần mức đáy cuối tháng 3 và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Theo Bloomberg Billionaires Index, diễn biến này giúp tài sản của vợ chồng ông Long lên 1,9 tỷ USD. Dù vậy, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định cổ phiếu không hề bị định giá quá cao, dù hệ số P/E (giá trên lợi nhuận) hiện ở gần mức cao nhất một thập kỷ.
Ông Long bắt đầu kinh doanh từ đầu thập niên 90. Năm 1992, ông cùng bạn bè lập doanh nghiệp đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát - Công ty Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, đơn vị đầu tiên thời điểm đó kinh doanh máy móc thiết bị. Đến năm 1995, Hòa Phát thành lập doanh nghiệp kinh doanh nội thất, chuyên làm đại lý phân phối cho các sản phẩm nội thất nhập ngoại.
Phải tới nửa cuối thập niên 90, công ty về thép và ông thép mới được khai sinh. Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập, 4 năm sau đó, đến lượt Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.
Sinh sau đẻ muộn nhưng hai lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mảng kinh doanh chính của Hòa Phát. Ông Long đặt cược Việt Nam sẽ cần nhiều thép hơn khi đất nước phát triển. "Một đất nước mới công nghiệp hóa sẽ phải xây rất nhiều cơ sở hạ tầng", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Ở thời điểm Hòa Phát lên sàn chứng khoán năm 2007, Thép và Ống thép đã chiếm hơn 60% tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Những năm sau đó, cho dù thị trường bất động sản nhiều thời điểm đóng băng, thép vẫn chiếm ưu thế trên báo cáo tài chính Hòa Phát với tỷ trọng áp đảo so với các mảng kinh doanh còn lại.
Khi Hòa Phát đã là doanh nghiệp đứng đầu về mảng thép, ông Long tiếp tục đặt cược vào khả năng tăng trưởng của thị trường khi đầu tư vào dự án Dung Quất. Năm 2017, họ xây Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất trị giá tới 2,6 tỷ USD.
Nếu như Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2007 là căn cứ để đưa Hòa Phát trong nhóm dẫn đầu thị trường, thì Dung Quất là nước cờ tiếp theo của "Vua Thép" để áp đảo đối thủ.
Dự án Dung Quất giúp Hòa Phát khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm thép, từ quặng sắt đến phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ, thép dự ứng lực. So với các doanh nghiệp khác, điều này giúp Hòa Phát có lợi thế đáng kể.
Khi thị trường tăng trưởng tốt, việc giữ trọn chuỗi giá trị giúp Hòa Phát có biên lợi nhuận tốt hơn. Nếu cần thiết, Hòa Phát cũng có căn cứ để tham gia cuộc chiến về giá khi muốn gia tăng thị phần tại những thị trường còn yếu, như khu vực phía Nam. Khi đầu ra khó khăn, Hòa Phát có thể bán phôi thép cho các nhà sản xuất khác, giúp đảm bảo khả năng tiêu thụ.
Thành quả của chiến lược này phần nào đã được phản ánh trong bức tranh hoạt động năm 2020. "Từ khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động từ quý III/2019, với trọng tâm là phát triển thị trường miền Nam, HPG đang dần lấy được thị phần của các doanh nghiệp khác như PoscoSS, Pomina hay VNSteel tại thị trường này", báo cáo của FPTS cho biết.
Theo tính toán của VCSC, HPG ghi nhận thị phần 33% trong 9 tháng 2020 so với 26% tính đến cuối 2019. Tiêu thụ của tập đoàn tăng kỷ lục bất chấp sự sụt giảm của thị trường chung do ảnh hưởng từ đại dịch.
Năm 2020, lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt lũy kế trên 5 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn. Tăng trưởng trong quý cuối năm, ngoài việc lấy thị phần từ các đối thủ, còn hưởng lợi từ làn sóng tăng đầu tư công của Chính phủ. Hòa Phát cũng cho biết thép của tập đoàn được lựa chọn sử dụng trong rất nhiều công trình hạ tầng lớn.
Đặt trọng tâm theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị cũng được thể hiện rõ hơn qua cơ cấu sản phẩm với giai đoạn II của dự án Dung Quất.
Hòa Phát đặt mục tiêu phát triển từ tháng 1/2022 và đi vào hoạt động 3 năm sau đó. Phần mở rộng sẽ có công suất 5 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC). "Ước tính sau khi hoàn thành, HPG có thể cung cấp 5 triệu tấn HRC mỗi năm, tương đương Formosa và khoảng 50% nhu cầu nội địa hiện tại", báo cáo của FPTS cho biết.
Việc dồn lực của sản phẩm HRC trong tương lai sẽ mang lại ưu thế cho Hòa Phát tương tự cách đã làm với thép xây dựng. Sản phẩm này là đầu vào cho sản xuất ống thép, vốn là nhóm mang lại biên lợi nhuận cao hơn. Bản thân mảng này cũng còn nhiều dư địa khi đối thủ lớn nhất là Formosa vẫn chưa chiếm được quá nửa nhu cầu. Ông Long ước tính, khi dự án Dung Quất hoạt động toàn bộ, quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Hòa Phát có thể tăng thêm 80%.
"Việt Nam hiện có thứ hạng thấp về tiêu thụ thép trên đầu người, khi đất nước chỉ mới bước những bước đi đầu tiên trong phát triển cơ sở hạ tầng", bà Phạm Mai Trang – một lãnh đạo tại quỹ đầu tư Dragon Capital Group nhận xét với Bloomberg. "Với cơ sở tại Dung Quất, Hòa Phát đã trở thành người chơi thống trị". Dragon Capital hiện nắm 6% cổ phần Hòa Phát.
Việc mở rộng giúp Hòa Phát áp đảo các đối thủ, giành thêm thị phần, nhưng ở khía cạnh ngược lại, cũng là sự lo ngại với khả năng đảm bảo đầu ra. Khi được hỏi về các thách thức với công ty, lãnh đạo Dragon Capital cho biết năm 2020, Hòa Phát đã phải tìm cách thích ứng để tăng quy mô hoạt động. Năm nay, công ty sẽ phải lặp lại thành công này với thép cán nóng.
Ngoài ra, biến động của giá nguyên liệu đầu vào, như quặng, than cốc, cùng rủi ro từ thị trường quốc tế cũng trở thành áp lực lớn khi quy mô sản xuất của Hòa Phát gia tăng. Chưa kể, dù ngành thép Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, song hàng năm, ngành này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu.
Chính ban lãnh đạo Hòa Phát từng lo ngại, nếu sức ép về xuất khẩu thép của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ như: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, các loại tôn... nhập vào Việt Nam ồ ạt hơn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Minh Sơn - Hà Thu