Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 18/3 ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số công ty.
Theo kết luận điều tra, tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức Chủ tịch HĐQT BIDV đã trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư dự án chăn nuôi bò tại địa phương này. Ông đề nghị được cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa công ty sân sau là Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con trai ông thành lập) với Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.
Ông Hà sau đó lập công ty sân sau tiếp theo là Công ty Bình Hà với mức vốn điều lệ đăng ký 200 tỷ đồng; lập dự án nuôi bò có tổng mức đầu tư 4.223 tỷ đồng, quy mô dự kiến 150.000 con bò một năm. Mục đích để vay vốn BIDV.
Lúc mới thành lập, Công ty Bình Hà chưa có hoạt động kinh tế phát sinh, vốn tự có và tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách của BIDV. Hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, bị xác định có 8 yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả. Dù vậy, ông Hà đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV và chủ trương của Chính phủ về việc cho vay thí điểm trong nông nghiệp để chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cùng các đơn vị liên quan phê duyệt cấp tín dụng.
Từ 18/8/2015 đến 6/11/2017, BIDV dưới sự chỉ đạo của ông Hà đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay 2.687 tỷ đồng với các ưu đãi về vốn tự có và tài sản bảo đảm. BIDV sau đó dừng giải ngân do Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ hơn 900 tỷ đồng, sử dụng vốn không đúng mục đích và để các cổ đông công ty thông qua nhà thầu chiếm đoạt và sử dụng tiền giải ngân và tiền bán bò.
Tổng dư nợ đến khởi điểm khởi tố vụ án của Công ty Bình Hà gần 1.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ không có khả năng thu hồi gần 900 tỷ đồng.
Kết luận điều tra xác định ông Hà đã vi phạm quy chế làm việc của BIDV, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo. Ông lấy danh nghĩa BIDV trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh cho công ty sân sau trái quy định.
Hành vi của ông Hà phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tháng 7/2019, ông Hà tử vong về bệnh lý khi đang tạm giam nên Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã đình chỉ điều tra bị can.
Cấp dưới khai bị ông Trần Bắc Hà thúc ép
Quá trình điều tra, bị can Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV) khai đã ký đồng ý trên phiếu lấy ý kiến của phân Ban rủi ro tín dụng về việc tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà thực hiện dự án và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng. Trên cơ sở báo cáo thẩm định rủi ro tín dụng, ông Lang thấy Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò giống - bò thịt tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, tổ thẩm định chung và ban quản lý rủi ro vẫn thẩm định đề xuất cho vay với các điều kiện ưu đãi hơn so với chính sách của BIDV. Từ đó ông Lang yêu cầu bổ sung thêm vốn tự có và tài sản bảo đảm của chủ đầu tư và yêu cầu 3 cổ đông của Công ty Bình Hà chứng minh năng lực tài chính, để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả.
Vì việc này, ông bị Chủ tịch Trần Bắc Hà gọi lên phòng làm việc "phê bình" và cho rằng nhiệm vụ của ông Lang là duyệt tờ trình như Tổ thẩm định đề xuất. Sau đó ông Lang ký lại báo cáo thẩm định rủi ro, bỏ các điều kiện đã phê trước đó.
Ông Lang khai lúc đầu chỉ biết Công ty Bình Hà là liên doanh giữa Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đến năm 2018, ông Lang mới biết Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò là của Chủ tịch Hà.
Nhà chức trách cáo buộc, ông Hà đã dùng công ty sân sau là Tập đoàn An Phú để xin cấp phép đầu tư. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia ban đầu, sau đó ông Hà đẩy Hoàng Anh Gia Lai ra khỏi Công ty Bình Hà để toàn quyền quản lý và điều hành Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò.
Bị can Đoàn Ánh Sáng (cựu phó tổng giám đốc BIDV) đã ký quyết định thành lập tổ thẩm định chung của BIDV để thực hiện việc thẩm định, đề xuất đối với dự án chăn nuôi bò theo cơ chế dự án lớn, đặc thù và ký phê duyệt tại báo cáo để xuất tín dụng của tổ thẩm định chung.
Ông Sáng khai việc ký phê duyệt tại báo cáo đề xuất thẩm định chung số 473 do bị ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết rằng: "Dự án có thiếu điều kiện gì thì HĐQT sẽ quyết định".
Cũng giống như ông Lang, lúc đầu ông Sáng chỉ biết Công ty Bình Hà là chủ đầu tư dự án do 3 cổ đông thành lập. Sau này khi Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra về dự án chăn nuôi bò, ông Sáng mới biết Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò là "sản phẩm" của ông Hà.
Khi dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà bắt đầu đổ vỡ, ông Sáng và ông Phan Đức Tú (Tổng giám đốc BIDV, nay là Chủ tịch HĐQT) đã yêu cầu ông Hà phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và hoàn trả tiền cho BIDV. Thấy vậy, ông Hà đề nghị BIDV cho tái cơ cấu lại khoản vay của Công ty Bình Hà thêm vài năm, ân hạn lãi suất và thời hạn trả nợ. Khi đó ông Hà sẽ lấy doanh thu từ hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia để trả nợ cho BIDV khoảng 200 tỷ đồng một năm, đến khi hết dư nợ.
Bị can Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) với vai trò là phó Tổ thẩm định chung đã ký công văn gửi về BIDV hội sở với nội dung Công ty Bình Hà đề nghị cấp tín dụng doanh nghiệp hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó vay vốn để thực hiện dự án nuôi bò là hơn 2.100 tỷ đồng và vay vốn lưu động đầu tư dự án gần 1.900 tỷ đồng. Ông Hoà đề xuất Hội sở xem xét thành lập tổ thẩm định chung để tiếp cận đánh giá và thẩm định cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến 2017, ông Hòa đã phê duyệt giải ngân nhiều lần cho Công ty Bình Hà với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Về quy trình vay vốn, ông Hoà khai Hội sở tiếp nhận khách hàng là Công ty Bình Hà sau đó mới giới thiệu xuống chi nhánh Hà Tĩnh để liên hệ làm thủ tục vay vốn. Quá trình giải ngân chi nhánh phát hiện một số vướng mắc của Công ty Bình Hà, không đáp ứng đủ các điều kiện theo ủy nhiệm nên ngừng giải ngân. Công ty Bình Hà sau đó phản ứng, gửi đơn lên Chủ tịch Trần Bắc Hà.
Vì việc này, ông Hà yêu cầu cách chức Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Sau đó theo đề nghị của Công ty Bình Hà, chi nhánh Hà Tĩnh đề nghị Hội sở quyết định sửa một số điều kiện về hồ sơ pháp lý của dự án.
Ông Hòa xác nhận Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để phê duyệt cho vay. Ông và chi nhánh đã chưa mạnh dạn từ chối cho vay và thừa nhận việc đề xuất cho vay và giải ngân như trên là sai.
Về sự xuất hiện của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong dự án nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) khai theo đề nghị của Tỉnh uỷ, UBND Hà Tĩnh và ông Hà, ông Đức đã triệu tập cuộc họp song quyết định không tham gia đầu tư vào dự án nuôi bò do không đủ các điều kiện. Tuy nhiên Tập đoàn lúc này đang là khách hàng vay vốn tại BIDV nên ông không thể trả lời không tham gia đầu tư vào dự án do Hà Tĩnh không đủ điều kiện để đầu tư.
Ông Đức sau đó giới thiệu nhân viên cũ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho ông Hà để làm quản lý và hỗ trợ nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu theo đề nghị của Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phú). Giai đoạn sau Công ty Bình Hà nhập khẩu bò trực tiếp. Từ đó, ông Đức không tham gia và cũng không biết các hoạt động của Công ty Bình Hà và dự án này.
Bị can Trần Lục Lang còn khai giữa năm 2015, khi đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank) tại Lào, LaoVietBank tăng vốn điều lệ từ 10 triệu USD lên 100 triệu USD và thêm cổ đông mới là Công ty TNHH Souk Houng Heang (SHH) nắm giữ 10% vốn điều lệ.
Đến khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu tại BIDV, ngày 31/8/2016 ông Hà gọi điện yêu cầu ông Lang cho rút vốn tại LaoVietBank. Khi đó ông Lang hỏi ông Đoàn Việt Nam (cựu tổng giám đốc LaoVietBank) thì được cho biết SHH là công ty do ông Hà thành lập bên Lào, nhờ một người Lào gốc Việt đứng tên. Giai đoạn Công ty SHH đàm phán tham gia góp vốn, ông Hà sử dụng quan hệ của mình để ép tăng vốn và bán 10% vốn điều lệ của phía Lào cho Công ty SHH.
8 người bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 Bộ luật hình sự 2015, gồm: Trần Lục Lang (53 tuổi, cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (59 tuổi, cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (59 tuổi, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (36 tuổi, cựu trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (57 tuổi, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (46 tuổi, cựu phó giám đốc BIDV Hà Thành), Phạm Hồng Quang (41 tuổi, cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Thành), Đặng Thanh Nam (39 tuổi, cựu cán bộ BIDV Hà Thành).
4 bị can bị truy tố về tộiLạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 175: Trần Anh Quang (38 tuổi, cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (55 tuổi, cựu tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (59 tuổi, cựu giám đốc công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (57 tuổi, thành viên góp vốn công ty Trung Dũng).