Dù không gây thiệt hại cho Ngân hàng Sacombank, song ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD nhà băng này) vừa bị Bộ Công an bắt giam cùng hàng loạt người do sai phạm, tiếp tay cho ông Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng (trong tổng cộng 15.000 tỷ đồng) tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB.
Theo điều tra, đứng trước việc thua lỗ nghiêm trọng trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại tín (TrustBank) thành VNCB, Chủ tịch Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt hành vi để có vốn cho nhà băng tồn tại.
Khoảng tháng 4/2013, để có tiền trả các khoản vay trước đó tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Danh cùng dàn lãnh đạo cấp dưới đến gặp ông Trầm Bê đề nghị vay 1.800 tỷ đồng.
Do quen biết từ trước, ông Bê đồng ý cho vay với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Ông Bê dẫn ông Danh đến gặp Phan Huy Khang (thành viên hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc Sacombank), chỉ đạo Khang làm hồ sơ cho vay.
Phần ông Danh phân công Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (34 tuổi, TV HĐQT) chuẩn bị tiền đảm bảo và làm 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty (do ông Danh thành lập) để vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản. Giám đốc các công ty này hầu hết là nhân viên bảo vệ, tài xế… của Tập đoàn Thiên Thanh được thuê đứng tên.
Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký duyệt hai tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của Phạm Công Danh. Việc giải ngân được thực hiện trước, khách hàng bổ sung chứng từ sau.
Nhà chức trách cho rằng, từ "lệnh" này của ông Bê, Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh quận 8 Sacombank chuyển 1.800 tỷ đồng vào tài khoản của ông Danh ngay sau đó. Số tiền này ông Danh trả nợ cho BIDV 1.700 tỷ đồng - khoản vay để chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng.
Một năm sau, do 6 công ty của ông Danh không trả tiền, Sacombank lập tức trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại nhà băng mình.
Cơ quan điều tra xác định, trong phi vụ này ông Trầm Bê có chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau", giúp ông Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.
Tương tự, tháng 9/2013 ông Danh gặp lãnh đạo Ngân hàng BIDV này tại Hà Nội xin vay 4.700 tỷ đồng cho "12 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng". Ông Danh lấy lý do "VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên giới thiệu sang BIDV". Để đảm bảo, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.
Thực chất các công ty này do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Sau khi được giải ngân, ông Danh chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng trước khi về tài khoản của VNCB để tăng vốn điều lệ dưới danh nghĩa cổ đông mua cổ phần.
Để hợp thức hóa việc rút tiền của VNCB, ông Danh cũng chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay 1.666 tỷ đồng của TPBank. Do các công ty này đã đứng tên vay vốn tại Sacombank nên ông Danh nhờ Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) mượn pháp nhân của 11 công ty khác vay.
Sau khi được TPBank giải ngân, các công ty đã chuyển toàn bộ tiền cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, quá trình thẩm định và ký duyệt các hồ sơ cho vay, các cán bộ của TPBank, BIDV, Sacombank có vi phạm pháp luật nhưng chưa gây thiệt hại cho nhà băng.
Tuy nhiên, Bộ Công an xác định ông Trầm Bê, Phan Huy Khang và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... liên đới trong việc ông Danh gây thất thoát tiền của VNCB. Do đó, những người này bị bắt giam về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.
Kết thúc giai đoạn đầu điều tra đại án này, hồi đầu năm, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên y án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Toà buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng. Cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 7, ông Danh và đồng phạm tiếp tục bị đề nghị truy tố do gây thiệt hại thêm 6.000 tỷ đồng cho VNCB. |
Quốc Thắng