Sáng 30/7, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bước sang phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, ông Danh vì lợi ích của công ty mình đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của VNCB, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ khống vay Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Việc này đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho VNCB - hơn 6.100 tỷ đồng chưa thể thu hồi.
"Thủ đoạn của Phạm Công Danh và đồng phạm rất tinh vi, bất chấp, để lấy tiền của VNCB. Bị cáo Danh có vai trò chủ mưu nên cần áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt mới đảm bảo tính răn đe", đại diện VKS nói và đề nghị mức án 20 năm tù đối với ông Danh. Tổng hợp với bản án 30 năm ở giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ đồng), ông Danh phải chấp hành 30 năm (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn).
Ông Trầm Bê phạm tội vì lợi ích của Sacombank
Đối với ông Trầm Bê, VKS nhận định, ông này đã quen Danh từ trước. Vì lợi ích của Sacombank nên dù biết Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB không thể vay tiền của VNCB ông Bê vẫn chỉ đạo cấp dưới và các chi nhánh giải ngân cho 6 công ty của ông Danh vay.
"Bị cáo không thẩm định phương án kinh doanh thực tế, dù hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn phê duyệt cho Danh vay. Bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới giải ngân trước bổ sung hồ sơ sau, tạo điều kiện cho Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh vay, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng", VKS nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông Trầm Bê được cơ quan công tố ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, không hưởng lợi cá nhân, không mong muốn hậu quả xảy ra, có nhiều thành tích trong công tác… nên đề nghị mức 4-5 năm tù, thấp hơn phiên sơ thẩm hồi đầu năm (5-6 năm tù).
Được xác định là người truyền đạt chủ trương của ông Trầm Bê tới các chi nhánh, từ đó duyệt cho ông Danh vay, bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị 3-4 năm tù.
Với vai trò Tổng giám đốc VNCB, Phan Thành Mai được ông Danh giao trách nhiệm gặp lãnh đạo các ngân hàng trao đổi về số tiền vay, tiền bảo đảm, móc nối với họ và lãnh đạo các chi nhánh thỏa thuận cho 29 lượt các công ty vay tiền giúp Danh. Mai còn trực tiếp ký các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng.
Theo Viện, bị cáo Mai có hàng loạt hành vi trái pháp luật, giúp sức tích cực cho ông Danh gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 6.100 tỷ đồng. Từ đó, VKS đề nghị phạt Mai 12-14 năm, tổng hợp hình phạt cũ là 30 năm tù.
Là người lập khống các hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng, mua bán trái phiếu để 29 lượt công ty vay tiền các ngân hàng giúp ông Danh, Mai Hữu Khương bị đề nghị 10-12 năm tù, tổng hợp hình phạt cũ là 30 năm.
Bị cáo Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù vì bị cáo buộc giúp ông Danh thực hiện nhiều hành vi trong cả hai giai đoạn, nhận ủy thác 903 tỷ đồng của VNCB để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo còn cho mượn hoặc giới thiệu 11 pháp nhân công ty giúp ông Danh vay hơn 1.660 tỷ đồng của TPBank.
Đối với nhóm các giám đốc do Danh thuê, hoặc nhờ đứng tên các công ty để sử dụng vay tiền các ngân hàng, VKS cho rằng họ không biết ông Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh cho các khoản vay, làm giám đốc chỉ được hưởng lương 5-10 triệu đồng. Các bị cáo thực hiện hành vi sai phạm do sợ mất việc làm hoặc theo chỉ đạo nên đã ký hồ sơ giúp ông Danh vay tiền. Do đó, VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ cho họ một phần trách nhiệm, đề nghị mức án từ 3 năm cải tạo không giam giữ đến 6 năm tù.
Tiếp tục đề nghị thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ ba ngân hàng
Giữ nguyên quan điểm như phiên xét xử hồi tháng 1, VKS đề nghị HĐXX thu hồi 6.126 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV, TPBank để trả lại cho Ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) vì "số tiền này là vật chứng vụ án". Bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại toàn bộ số tiền trên cho các ngân hàng.
VKS cũng chấp nhận một phần kiến nghị của ông Bê, giải tỏa kê biên căn nhà trên đường An Dương Vương của bà Dương Tú Anh (chị vợ ông Bê). Đối với bất động sản còn lại ở quận Bình Tân, Viện đề nghị tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.
Ông Danh bị cáo buộc trong quá trình tái cơ cấu VNCB đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của nhà băng, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng. Do các công ty này không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB. Nhưng việc này đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB. Phía BIDV giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số còn lại từ TPBank. Hồi đầu năm, sau một tháng xét xử, TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung 6 vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 20/6, VKSND Tối cao khẳng định "kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án" đã nêu tại cáo trạng năm 2017. Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc bồi thường 9.000 tỷ đồng thiệt hại. |
Kỳ Hoa