Thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ 13 thường được nhắc đến như thời kỳ hoàng kim của đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo sản sinh nhiều học giả với những cống hiến quan trọng cho các nhánh tri thức nhân loại, bao gồm cả triết học, toán học và thiên văn học.
Những trí tuệ Hồi giáo trong suốt giai đoạn này cũng đóng góp không ít thành tựu cho y học thế giới, trong đó có thể kể đến Ali ibn al-Abbas al-Majusi (tên tiếng Latin là Haly Abbas), Muhammad ibn Zakariyã Rãzĩ (Rhazes hoặc Rasis), và Abũ al-Qãsim Khalaf ibn al-‘Abbãs az-Zahrãwĩ (thường biết đến với tên Al-Zahrawi, hay Abulcasis), người được mệnh danh là ông tổ ngành phẫu thuật hiện đại.
Cuộc đời của Al-Zahrawi
Al-Zahrawi chào đời tại vùng Al-Zahra, gần Cordoba, Andalusia, miền nam Tây Ban Nha vào năm 836. Đây là một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất của vương triều Hồi giáo Umayyad Caliphate tại Cordoba. Tuy nhiên, không nhiều tư liệu viết về cuộc đời Al-Zahrawi được tìm thấy.
Al-Zahrawi được cho một thiên tài y học rất được sủng ái. Trong suốt 50 năm, ông giữ chức ngự y cho vị vua thứ hai của Cordoba là Al-Hakam II, và al-Mansur, người lắm thực quyền cai trị nhà nước Hồi giáo Tây Ban Nha sau cái chết của Al-Hakam.
Tuy chức tước cao và được trọng vọng, ngự y Al-Zahrawi vẫn tiếp tục thăm bệnh cho nhiều người bất kể giàu nghèo. Điều này cho phép ông gặp gỡ nhiều bệnh nhân mỗi ngày, ghi chép tình trạng sức khỏe và lịch sử chữa trị cho từng người một. Nhờ kiến thức và kinh nghiệm phong phú trong đời hành nghề y, Al-Zahrawi đã để lại cho hậu thế cuốn bách khoa toàn thư về y học quý giá có tựa Al-Tasrif li man ajaz an-ti-talif, gọi ngắn gọn là Al-Tasrif.
Al-Tasrif: Bách khoa toàn thư y học
Al-Tasrif được xem là công trình rất quan trọng trong lịch sử y học, bởi đây là một trong những tài liệu tham khảo chuẩn mực trong nền y học của người Hồi giáo và cả châu Âu trong hơn nửa thế kỷ.
"Khoảng năm 1000, bác sĩ Al Zahrawi công bố bách khoa toàn thư về phẫu thuật dày 1.500 trang. Cuốn sách này từng được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu y khoa 500 năm sau".
Bách khoa toàn thư y học được viết xong vào khoảng năm 1000 gồm 30 chương. Mỗi chương đề cập tới một vấn đề y học khác nhau kèm theo mô tả về hơn 300 căn bệnh và những cách chữa trị cho căn bệnh ấy mà Al-Zahrawi thu thập được.
Các khía cạnh khác trong y khoa cũng được luận bàn trong Al-tasrif. Chẳng hạn, ở một trong những chương đầu tiên, Al-Zahrawi viết về cách chẩn đoán bệnh. Ông cho rằng, một bác sĩ giỏi phải dựa trên quan sát của chính mình và các triệu chứng để chẩn bệnh, hơn là chỉ nghe theo lời kể của bệnh nhân.
Al-Zahrawi còn viết về mối quan hệ giữa sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Nhiều phần trong Al-Tasrif trình bày về các loại thực phẩm nên tránh, tầm quan trọng của việc duy trì một thực đơn tốt cho sức khỏe, và sử dụng thực phẩm như một phần của chữa bệnh.
Al-Tasrif: Di sản quý giá cho ngành phẫu thuật hiện đại
Theo nhiều chuyên gia, chương 30 chính là phần có tầm ảnh hưởng lớn nhất của quyển bách khoa toàn thư y học Al-Tasrif. Trong chương này, Al-Zahrawi đã đặt những nền móng đầu tiên cho ngành phẫu thuật học mà nhờ đó ông được mệnh danh là "ông tổ ngành phẫu thuật hiện đại".
Nội dung phần này gồm những lý giải chi tiết của Al-Zahrawi về các quy trình trong từng phẫu thuật cụ thể, liệt kê khoảng 200 dụng cụ phẫu thuật cùng mô tả và hình minh họa (những bức ảnh về dụng cụ phẫu thuật được xem là sớm nhất trong lịch sử) và các cải tiến do Al-Zahrawi thực hành mà sau này được ứng dụng phổ biến trong phẫu thuật.
Al-Zahrawi được cho là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên sử dụng chỉ ruột mèo khâu các vết thương bên trong. Đây là loại chỉ chế từ ruột động vật, có thể tự tiêu và trong một thời gian dài trở thành loại chỉ khâu vết mổ duy nhất. Dùng chỉ ruột mèo, các bác sĩ sẽ không cần phẫu thuật lần hai để rút chỉ khâu bên trong.
Ngoài ra, Al-Zahrawi còn được coi là người tiên phong thực hiện một cải tiến mà sau này trở thành chuẩn mực trong ngành phẫu thuật, đó là việc dùng mực đánh dấu đường rạch mổ trên cơ thể bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Đóng góp to lớn cho y học trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong nhánh giải phẫu, Al-Zahrawi đặt những nền móng đầu tiên và thực hiện những cải tiến vẫn còn được ứng dụng cho tới hôm nay. Tuy nhiên, tên tuổi của vị bác sĩ Hồi giáo tài năng này lại không được nhiều người biết đến.
Thu Hiền (theo Ancient-Origins)