![]() |
Fred Hoyle. |
Fred Hoyle sinh năm 1915 ở Yorkshire (Anh). Ngay từ bé, Fred đã được xem là một thiên tài với những ý tưởng kỳ quặc. Lúc 10 tuổi, Fred đã có thể tính ra vị trí chính xác của nhiều ngôi sao trên bầu trời. Những năm tháng còn trên ghế nhà trường, cậu bé Fred đã là một tín đồ trung thành với quan điểm cho rằng, vũ trụ phát triển hài hòa, không có sự bắt đầu, cũng như không có sự kết thúc.
Cuối thập kỷ 40, Hoyle sáng lập lý thuyết về một vũ trụ bền vững, cho rằng tất cả đều phát triển đều đặn, chứ không có sự bùng phát bất chợt. Theo đó, "mỗi ngôi sao, mỗi thiên hà đều có sự bắt đầu, nhưng vũ trụ thì không". Những quan sát bằng sóng radio sau đó chỉ ra rằng, vũ trụ giãn nở với tốc độ nhanh hơn so với lý thuyết của Hoyle. Tuy vậy, ông vẫn giữ quan điểm cũ, và tìm mọi cách để chứng minh rằng, quan điểm vũ trụ giãn nở nhanh là sai.
Những năm 50, Hoyle nảy sinh một sự hoài nghi, "biết đâu vũ trụ chẳng đột ngột xuất hiện từ hư vô sau một vụ nổ lớn?". Sau đó, trong một hội nghị khoa học, lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm Big Bang. Tuy nhiên, không phải để ủng hộ, mà để phản bác ý tưởng "điên rồ" cho rằng, thế giới xuất hiện từ cái hư vô tuyệt đối.
Mặc dù đến nay, nhiều kết quả thực nghiệm không phù hợp với lý thuyết của Hoyle, nhưng ông vẫn được giới khoa học đánh giá cao trong những nghiên cứu về hành tinh, thiên hà, lực hấp dẫn và nguyên tử. Ngoài lý thuyết về vũ trụ bền vững gây nhiều tranh cãi, Hoyle còn phát triển ý tưởng "kỳ quặc" cho rằng, toàn bộ sự sống trên trái đất bắt nguồn từ ngoài vũ trụ. Theo đó, nhiều bệnh nan y (ví dụ AIDS) cũng đến trái đất bằng con đường này.
Tiếng tăm trên nhiều lĩnh vực
Ngoài thiên văn học, Hoyle còn có nhiều phát kiến trong các lĩnh vực khác. Cùng với William Fowler, một đồng nghiệp thuộc ĐH Cornell, Hoyle đã phát triển lý thuyết về phản ứng hạt nhân trong các ngôi sao. Theo đó, các phản ứng này xuất phát từ các đồng vị nặng hơn helium, và nhiệm vụ của chúng ta là phải đi tìm các đồng vị ấy.
Hoyle còn là một cây viết truyện viễn tưởng có tài. Cuốn "Đám mây đen" nói về thời kỳ băng hà của trái đất do một đám mây che kín mặt trời. Cuốn "A for Andromeda" kể về sự tấn công của các sinh vật ngoài trái đất. Cả hai cuốn đều được bạn đọc rất ưa chuộng.
Hoyle dạy môn thiên văn học ở Đại học Cambridge 14 năm (1958-1972). Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại Đại học Cornell đến năm 1978. Năm 1997, Hoyle được Hoàng gia Thụy Điển trao giải Grafoord cho những đóng góp khoa học xuất sắc của ông. Hoyle có vợ, một con trai và một con gái. Tang lễ của ông được tổ chức trong phạm vi gia đình. Vợ con Hoyle từ chối không giải thích cho báo chí biết về nguyên nhân cái chết của ông.
Minh Hy (theo BBC, CNN, dpa)