Khi tôi đặt bút viết nên câu chuyện này, cũng sắp đến ngày giỗ đầu của cha nuôi tôi. Lúc sinh thời, đã có lần tôi định viết về cha. Khi biết ý định của tôi, cha cản: "Đừng viết con ạ, ở đời, mình giúp gì được cho người ta thì cứ giúp, kể lể làm gì!"
Tính cha là vậy. Suốt cuộc đời, cha đã giúp bao nhiêu người, chắc chắn là cha không thể nào nhớ. Riêng tôi, tôi biết khá nhiều chuyện về tình thương người của cha, những chuyện mà cha cho là hết sức bình thường. Đây là một trong những câu chuyện ấy.
Chuyện xảy ra đã hai năm, khi mà cha đã bước sang tuổi tám mươi bảy.
Hai vợ chồng chị ấy không còn trẻ nữa, họ sắp bước qua ngưỡng sáu mươi. Tôi gọi họ là anh, chị, bởi lẽ họ cũng là con nuôi của cha nuôi tôi. Lần đầu tiên gặp anh chị ở nhà cha tại Vũng Tàu, khi họ ghé sang để chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài tìm về quê hương xứ sở của chị tận Quảng Ngãi. Đó là lần đầu tiên sau gần bốn mươi năm xa xứ, người phụ nữ ấy đã tìm lại được cội nguồn!
Hơn bốn mươi năm trước…
Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo. Chị là chị cả, sau chị còn đến năm người em. Anh là người con của quê hương Đồng Khởi (Bến Tre). Giữa thời khắc ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh bị bắt làm quân dịch và đóng quân ở quê chị. Đang đi theo con đường binh nghiệp một cách bất đắc dĩ, anh vẫn khao khát một tình yêu và một cuộc sống gia đình. Quen nhau chưa lâu, họ tổ chức cưới nhau mà không chờ đến ngày hòa bình.
Sau ngày cưới đúng một tuần, anh phải di chuyển vào Nam theo lệnh của cấp trên. Thuyền theo lái, gái theo chồng, chị gạt nước mắt từ giã cha mẹ và các em để cùng anh vào Nam.
Chiến tranh kết thúc. Cũng như bao nhiêu người dân khác, anh chị cùng nhau gầy dựng cuộc sống. Họ bắt đầu từ đôi bàn tay trắng. Các con lần lượt ra đời, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhà anh nghèo, thiếu đất canh tác, cả gia đình đành dắt díu nhau tha phương cầu thực. Nơi họ chọn chỗ dừng chân là một vùng ven biển thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tại đây, anh chị đã gặp được người cha nuôi tốt bụng. Thương người, cha cho vợ chồng anh chị mượn đất làm ruộng sinh sống. Họ nhận cha là cha nuôi từ đó.
Thế nhưng, cuộc sống gắn bó với nghề nông luôn thiếu trước, hụt sau. Năm nào mùa màng bội thu, may mắn thì đủ ăn, năm nào thất bát thì thiếu thốn. Có lẽ vì vậy mà cái ý nghĩ sẽ tìm về quê hương của chị luôn giữ kín trong lòng, không dám nói ra, vì chị biết, có nói ra cũng không giải quyết được gì. Đêm nằm, chị lặng lẽ gạt nước mắt với nỗi nhớ thương da diết và mong chờ đau đáu về cha mẹ và các em ở tận miền Trung. Không một tin tức, không một cánh thư, giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc, chị không biết họ đã trôi dạt xứ nào, hiện còn sống hay đã mất. Nước mắt đã rơi ướt gối bao nhiêu lần, chị không nhớ hết. Chị tự nhủ sẽ cố gắng làm có tiền để được một lần tìm về cố hương. Ý nghĩ ấy ấp ủ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác và chị giật mình nhận ra tóc mình đã có những sợi bạc - Gần sáu mươi tuổi rồi còn gì!
Tết năm ấy, cha nuôi tôi từ Vũng Tàu về thăm quê. Gặp anh chị, cha ngỏ ý sẽ giúp đỡ cho anh chị một khoản tiền đủ để cho chị về quê tìm những người thân. Thấy anh chị ngại ngần, cha quả quyết: Cha già lắm rồi, không biết còn sống được bao lâu nữa. Các con hãy nghe cha lần này đi! Bàn tay gầy guộc của cha đã trao tận tay anh chị hơn hai tháng lương hưu mà cha dành dụm để làm một việc hết sức có ý nghĩa - giúp người tìm về quê hương sau gần bốn mươi năm xa cách.
Ngày anh chị tìm về cố hương là một ngày của tháng tư, trước lễ kỷ niệm Giải phóng miền Nam vài ngày.
Bốn mươi năm - một khoảng thời gian dài của cuộc đời mỗi con người. Bà mẹ già với đôi tay run rẩy lần dò tìm lấy bàn tay con gái - bây giờ cũng sắp già - nước mắt lưng tròng. Một cuộc hội ngộ đầy xúc động, nghẹn ngào. Mẹ con, chị em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Bao nhiêu mong chờ, bao nhiêu thương nhớ bỗng chốc vỡ òa.
Anh chị đã gọi điện ngay về cho người cha nuôi ngay trong ngày trọng đại ấy, một ngày đoàn tụ hết sức có ý nghĩa của gia đình. Được tin, cha tôi cười mãn nguyện: "Vậy là cha toại nguyện rồi!"
Nhân ngày giỗ đầu của cha, con viết bài này để cảm ơn cha - một người giàu lòng yêu thương không chỉ với con mà còn với bao người khác nữa.
Nguyễn Đào
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |