"Bất kỳ ai âm mưu chia rẽ Trung Quốc, dù ở bất kỳ nơi nào của đất nước, đều sẽ phải nhận kết cục thịt nát xương tan", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli nhân chuyến thăm nước này. "Bất kỳ thế lực bên ngoài nào chống lưng cho những âm mưu chia rẽ Trung Quốc đều sẽ bị người dân Trung Quốc coi là ảo tưởng".
Thủ tướng KP Sharma Oli trong khi đó cho biết Nepal sẽ phản đối "mọi hoạt động chống Trung Quốc" trên lãnh thổ nước này. Chủ tịch Tập bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal từ hôm qua. Đây là lần đầu tiên sau 22 năm một lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Nepal. Hai bên được kỳ vọng sẽ ký một thỏa thuận mở rộng mạng lưới đường sắt giữa Tây Tạng và Nepal.
Thông điệp được Chủ tịch Tập đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với những diễn biến phức tạp trong các cuộc biểu tình đã kéo dài gần 4 tháng qua ở Hong Kong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói việc đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ gặp rất khó khăn nếu Bắc Kinh không thể xử lý tốt các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã bàn về vấn đề Hong Kong với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong vòng đàm phán thương mại hôm 12/10.
Những cuộc biểu tình bùng phát tại Hong Kong từ đầu tháng 6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm sang xét xử tại các khu vực tài phán chưa có hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong đã tuyên bố rút hoàn toàn dự luật, song người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường.
Biểu tình ở Hong Kong trở thành đề tài tranh luận lớn ở Mỹ. Ủy ban đối ngoại của lưỡng viện quốc hội Mỹ hồi tháng 9 thông qua một đạo luật ủng hộ "các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong" qua việc gây áp lực với nhà chức trách Trung Quốc. Dự luật sẽ được bỏ phiếu tại lưỡng viện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ quốc tế liên quan đến cái mà họ gọi là những "trại cải huấn chính trị" ở Tân Cương. Chuyên gia Liên Hợp Quốc từng cáo buộc chính quyền Trung Quốc giam hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác trong các trại này. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định họ chỉ lập ra những trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập với xã hội.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)