"Năm nay là Năm ASEAN - Trung Quốc về Hợp tác Kinh tế Số. Trung Quốc sẽ cùng các nước ASEAN nắm bắt cơ hội được tạo ra từ một cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay phát biểu trong video phát tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN ở thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
"Trung Quốc sẽ phối hợp với ASEAN về Cảng Thông tin Trung Quốc - ASEAN nhằm thúc đẩy kết nối kỹ thuật số và xây dựng một Con đường Tơ lụa kỹ thuật số", ông Tập nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc đảm bảo với các nhà lãnh đạo châu Á rằng Bắc Kinh dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với ASEAN, đồng thời cam kết tiếp tục chiến lược mở cửa để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19.
"Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa với thế giới bên ngoài, tăng cường liên kết kinh tế trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự hồi phục chung của thế giới thông qua việc tự hồi phục nền kinh tế Trung Quốc, từ đó tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm ASEAN, sẽ được hưởng lợi", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc đưa ra thông điệp này hai ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tuyên bố chương trình nghị sự của ông sẽ giúp Mỹ lấy lại vị thế lãnh đạo toàn cầu và tăng cường liên minh với châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay cũng kết thúc chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng của Mỹ, cam kết Trung Quốc sẽ cùng hai nước này vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Tập, Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đưa ra một bài phát biểu quan trọng từ khi Hội chợ Trung Quốc - ASEAN được tổ chức lần đầu năm 2004, nói rằng trong lúc thế giới đang đối mặt với bất ổn và bất định do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Trung Quốc luôn ưu tiên mối quan hệ với ASEAN.
"Trung Quốc luôn coi ASEAN là một ưu tiên trong quan hệ với các nước láng giềng và coi đây là khu vực then chốt để xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường", ông nói. "Trung Quốc ủng hộ vị thế trung tâm của ASEAN trong hợp tác Đông Á và ủng hộ ASEAN đóng vai trò lớn hơn trong xây dựng một cấu trúc khu vực mở và bao trùm".
Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN trong 5 năm tới trên nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cơ sở hạ tầng và sức khỏe cộng đồng, cũng như "tích cực xem xét nhu cầu của các nước ASEAN" khi Trung Quốc hoàn thiện nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine Covid-19.
Bắc Kinh đã tìm cách thắt chặt quan hệ với ASEAN nhằm cân bằng áp lực từ cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ do Tổng thống Donald Trump phát động năm 2018.
Năm nay, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Khối cũng như vượt qua Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc vào năm ngoái, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột thương mại.
Một trong những điều mà Bắc Kinh coi là dấu mốc lịch sử trong quá trình hội nhập kinh tế với khu vực này là việc Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN đã cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, hồi đầu tháng.
Hiệp định này sẽ chứng kiến sự cắt giảm thuế quan đáng kể giữa các quốc gia thành viên trong thập kỷ tới, có thể mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc lên châu Á - Thái Bình Dương và cân bằng áp lực từ Mỹ.
Trong bài phát biểu hôm nay, ông Tập hoan nghênh việc ký kết RCEP, cho hay sẽ có nhiều biện pháp nữa tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trong khu vực khi đại dịch chuyển biến tốt hơn.
Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng hợp tác về kinh tế kỹ thuật số là một phần mở rộng của tương tác kinh tế ngày càng lớn giữa Trung Quốc và ASEAN.
Wang nhận định việc Biden quay lại với chủ nghĩa đa phương sẽ mở ra nhiều kênh đối thoại hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, với các mối quan hệ song phương được kỳ vọng sẽ đi theo con đường "vừa hợp tác vừa cạnh tranh".
Hồng Hạnh (Theo SCMP)