Sáng 6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Khoảng 10h20, cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội xếp thành hai hàng, vẫy cờ khi lãnh đạo hai nước tiến vào tòa nhà. Sau cuộc hội kiến với Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, ông Tập bước vào hội trường Diên Hồng nơi có 500 đại biểu đang họp.
Trong bài phát biểu dài 20 phút bằng tiếng Trung, ông Tập bày tỏ mong muốn hai nước luôn là láng giếng tốt, cùng nhau phát triển.
Trích ngạn ngữ ví von tình cảm hai nước như anh em, ông Tập cho rằng hai nước đã chọn đúng đường hướng phát triển vì vậy cần phải đoàn kết, kiên định, không để thế lực khác cản trở hợp tác. Trung Quốc mong Việt Nam phát triển càng nhanh càng tốt.
Ông Tập đề nghị hai nước cùng nắm bắt thời cơ xây dựng cộng đồng song hành cùng vận mệnh châu Á, qua đó thúc đẩy vận mệnh chung của nhân loại.
Ông cũng viện dẫn nhiều thơ ca về tình cảm láng giềng. "Người thân thì mong người thân tốt, láng giềng thì mong láng giềng tốt", ông nhấn mạnh đến câu nói của người Trung Quốc và lý giải, đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm. Nhưng hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị và hòa bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng, đề phòng quan hệ chệch hướng. Khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết.
Kết thúc bài nói, ông Tập bắt tay các đại biểu và nghe lời đáp từ của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng, Việt - Trung "sẽ tiếp tục kiểm soát bất đồng, vượt qua các trở ngại để đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, thực chất, ổn định, vững chắc hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới".
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, bài phát biểu của ông Tập đề cập tình hữu nghị tốt đẹp, lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc, được nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ, phát triển, ngày càng thắt chặt hơn nữa.
Trước cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng thông báo một số nội dung cơ bản của cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và Quốc hội. Theo đó, hai nước coi trọng chất lượng hợp tác, giải quyết một cách thỏa đáng quan hệ hợp tác kinh tế, thực chất vì lợi ích, quan hệ hai nước.
Những bất đồng, tồn tại trong quan điểm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân được hai bên nhất trí giải quyết theo hướng hòa bình, ổn định vì sự phát triển. Vấn đề trên biển được giải quyết thông qua đàm phán, hiệp thương, bình đẳng giữa hai nước.
Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Việt Nam hôm 5/11 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Đặt chân xuống Nội Bài, ông gửi đi thông điệp Trung Quốc "nguyện cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau". Việt Nam đón tiếp ông Tập theo nghi thức cấp nhà nước với 21 phát đại bác.
Trong cuộc hội đàm chiều cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước cần kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình trong khu vực. Trung Quốc cũng nêu ra 4 đề xuất hợp tác thời gian tới khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bên cạnh bài phát biểu trước Quốc hội, ông Tập cũng gặp gỡ thanh niên, trí thức hai nước trước khi kết thúc chuyến thăm vào chiều 6/11.
Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc thứ hai từng phát biểu tại Quốc hội Việt Nam, sau ông Hồ Cẩm Đào.
Trung Quốc và Việt Nam năm nay kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quan hệ song phương dù có khó khăn, thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính.
Ông Tập Cận Bình (62 tuổi) có bằng Tiến sĩ Luật và Kỹ sư Hóa học. Hồi tháng 12/2011, ông Tập đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam với tư cách Phó chủ tịch nước Trung Quốc.
Nhóm phóng viên