Các đảo và bãi ngầm ở Biển Đông "thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa. Cha ông đã để lại chúng cho chúng tôi. Người Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở đây", ông Tập trả lời phỏng vấn của Reuters cuối tuần qua, trước chuyến thăm chính thức Anh
Khi phóng viên cho rằng hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều nước, trong đó có cả Anh, lo ngại, ông Tập nói rằng chủ nghĩa bành trướng là sự đề cập tới những yêu sách bên ngoài chủ quyền của một nước, trong khi Bắc Kinh không làm điều gì như vậy, do đó những nghi ngờ và cáo buộc của các nước khác là "không có cơ sở".
Nói về mục tiêu cuối cùng của những hành động hiện nay ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định việc đi theo con đường phát triển hòa bình mang lại những lợi ích cơ bản của nước này. Đó là một lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh, chưa từng thay đổi và sẽ không thay đổi. Trong tình hình mới, Trung Quốc sẽ nỗ lực "đem lại nhiều lợi ích hơn tới các nước láng giềng và người dân", xây dựng mối hợp tác bền vững và thịnh vượng, thông qua chính sách hữu nghị, chân thành, cùng có lợi với các nước lân cận.
"Trung Quốc cần hòa bình, an ninh và ổn định hơn bất kỳ nước nào khác. Trung Quốc không muốn có hỗn loạn ở đây", ông Tập nói về Biển Đông.
Đề cập tới việc các bên đang thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nước liên quan quản lý tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn, tìm đến kết quả cùng có lợi.
Trung Quốc từ 2009 công bố đường lưỡi bò phi lý, bao phủ hầu hết Biển Đông, chồng lấn vào vùng biển của các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines. Hơn một năm nay, Trung Quốc tăng tốc cải tạo và xây dựng các đá ở Trường Sa, khiến nhiều nước lo ngại Bắc Kinh củng cố các cơ sở quân sự ở đây.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc, khẳng định Hà Nội có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền ở cả Trường Sa và Hoàng Sa.
Khánh Lynh