- Kính chào ông Võ Quốc Thắng và ông Kazuyoshi Tanabe, chúc hai ông sức khỏe và thành công. Xin hỏi ông Thắng vì sao lại mời ông Tanabe đến làm cố vấn tại VPF mà không phải một chuyên gia khác? (Đức, 32 tuổi, TP HCM)
- Chủ tịch VPF - Võ Quốc Thắng: Về cá nhân tôi cũng như những người hâm mộ, yêu mến bóng đá Việt Nam đều có ước mơ muốn đội tuyển Việt Nam sẽ ngang tầm các nước châu Á, đặc biệt có khả năng tranh chấp vé World Cup. Để làm được điều này không thể một cá nhân nào làm được mà phải kết hợp nhiều thứ. Như bóng đá Nhật cách đây 20 năm, họ cũng lặn lội, tìm hiểu, học hỏi bóng đá Đức và cách làm kinh doanh của Mỹ. Nhật Bản cũng rút ra nhiều bài học và áp dụng vào môi trường bóng đá Nhật.
Có thể nói rằng Nhật Bản với một quá trình phát triển bóng đá rất bài bản lấy nòng cốt đào tạo bóng đá trẻ từ trong các trường học. Ở các tuyến trẻ của các CLB mà tôi từng tham quan hỏi trong thời gian gần đây, họ xem bóng đá là một nghề đặc biệt cần phải có đầu tư một cách thích đáng được sự quan tâm của chính quyền địa phương của từng tỉnh thành.
Qua quá trình tham quan, chúng tôi cũng đã định hình trong thời gian tới cần phải làm những gì để bóng đá Việt Nam có thể thi đấu ngang hàng với các giải đấu chuyên nghiệp của Nhật Bản. Tôi nghĩ, nếu được sự quan tâm đúng đắn của các ban ngành trung ương và địa phương, sự quan tâm của các CLB và phương pháp vận hành tổ chức của VPF từng giải đấu sắp tới thì tôi nghĩ không quá 10 năm chúng ta sẽ làm được điều đó.
- Ở Nhật Bản, ông có nghe nói về Calisto và Lê Công Vinh không? Ông có biết về giải vô địch Đông Nam Á AFF Cup? (Lê Khánh Chi, 22 tuổi, Nghệ An)
- Ông Kazuyoshi Tanabe: AFF Cup là sự kiện bóng đá lớn của khu vực Đông Nam Á. Tôi biết HLV Calisto và Lê Công Vinh đã đoạt chức vô địch AFF Cup năm 2008. Tôi đánh giá rất cao ông Calisto vì là HLV người nước ngoài đã đạt thành tích tốt cùng với đội tuyển Việt Nam. Năm ngoái bạn tôi là HLV của đội tuyển Lào đã tham dự giải AFF Cup 2012. Qua đó tôi được biết là đội tuyển Việt Nam đã không thi đấu thành công lắm trong giải AFF Cup vừa rồi.
- Thưa ông Tanabe, ông được mời gia nhập "đội bóng VFF/VPF" với tư cách là "ngôi sao ngoại". Vậy ông chọn cách "phục vụ lối chơi" cho "đội bóng" hay họ phải "phục vụ" "lối chơi" của ông? Ông sẽ "đá" ra sao để những cổ động viên chúng tôi háo hức chờ đến ngày cuối tuần? Cám ơn ông. Hoang721016. (Hoang721016, 41 tuổi, 138 Nam Hoa, Phuoc Long A, quận 9, TP HCM)
- Ông Tanabe: Chào bạn, với tư cách là "cầu thủ ngoại", việc đầu tiên tôi phải làm là làm quen và hiểu được các cầu thủ "trong đội bóng VFF/VPF". Trên cơ sở đó, tôi sẽ đưa ra lối chơi phù hợp với cách đá của đội sao cho đạt được kết quả tốt nhất và thỏa mãn được sự kỳ vọng của người hâm mộ. Bóng đá là môn thể thao tập thể. Vấn đề không phải là cá nhân tôi làm được gì mà việc quan trọng là phải gắn kết được mọi người lại với nhau để cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu mãn nhãn.
- Chào ông Tanabe, sau chuyến đi thị sát tình hình bóng đá Việt Nam, xin ông cho biết thực sự bóng đá Việt Nam hiện giờ bằng với bóng đá Nhật năm bao nhiêu? (Pham Xuan Hung, 52 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Ông Tanabe: Tôi nghĩ mọi sự so sánh ở đây đều khập khiễng. Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng bóng đá Việt Nam hiện nay giống như bóng đá Nhật cách đây 20 năm. Tuy nhiên, sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ đối với bóng đá Việt Nam là điều mà trước đây bóng đá Nhật không có được.
- Chào ông Tanabe, ông đã xem trận Siêu Cup quốc gia 2012, ông đánh giá trận đấu như thế nào? Ông suy nghĩ gì về cách làm của Ban tư vấn đạo đức VPF đối với trận đấu này? (Phan Trọng Nhân, 28 tuổi, 122/36 Trần cao Vân Đà Nẵng)
- Ông Tanabe: Về trận Siêu Cup quốc gia 2012, tôi nhận thấy cổ động viên Đà Nẵng đã ủng hộ cuồng nhiệt cho câu lạc bộ Đà Nẵng. Tôi thấy có 3 điểm: thứ nhất đội Đà Nẵng đã nhanh chóng có bàn thắng mở tỷ số từ những phút đầu tiên của trận đấu. Thứ hai là cầu thủ chơi tốt của đội Xuân Thành đã bị chấn thương và phải thay ra. Cầu thủ Gaston Merlo đã thi đấu rất xuất sắc trong hiệp 2. Nhờ thế mà đội Đà Nẵng đã ghi được 4 bàn thắng. Về mặt chuyên môn, tôi nghĩ trận đấu này là bình thường.
Ban tư vấn đạo đức VPF làm đúng chức năng cùa mình nếu như họ thấy trận đấu có dấu hiệu tiêu cực.
![tannnn-jpg[1214082163].jpg](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2013/03/01/tannnn-jpg-1362134241.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KW5-TSajEc_1TyBVpC3Jfg)
- Ông có thể cho biết thuận lợi và khó khăn của bóng đá Việt Nam hiện tại? Việt Nam cần những yếu tố gì để năng cao chất lượng bóng đá? (Thái Ngọc Huệ, 30 tuổi, TP HCM)
- Ông Võ Quốc Thắng: Thực sự bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012 và tiếp tục năm 2013. Dù khó khăn nhưng bằng lòng đam mê của nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, chúng tôi cần phải có trách nhiệm làm sao tìm mọi cách vượt qua khó khăn này. Chính vì vậy, chúng tôi luôn cầu thị và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp trong và ngoài nước, cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp để bóng đá Việt Nam sớm theo kịp những quốc gia như Nhật Bản - Hàn Quốc.
Ngay từ mùa bóng này, chúng tôi cũng tìm tòi học hỏi từ bóng đá Nhật Bản, đã được những tổ chức điều hành giải bóng đá Nhật Bản sẵn sàng hợp tác và chia sẻ về những thành công và thất bại. Việc mời chuyên gia Tanabe đến Việt Nam là để làm việc và cố vấn, hỗ trợ tôi những cái cần và không nên làm với bóng đá Việt Nam, kết nối các nhà kinh doanh Nhật Bản, làm cầu nối giữa VPF và J-League Nhật Bản.
Quan điểm chúng tôi là trong thời gian tới, VPF cùng các CLB, lực lượng giám sát trọng tài và nhiều bộ phận có liên quan trong công tác tổ chức các giải bóng đá của VPF tạo ra được nhiều sản phẩm tốt để phục vụ khách hàng. Như vậy chúng ta có nhiều điều kiện để đầu tư phát triển bóng đá.
Bóng đá cũng là một sản phẩm, khi có một sản phẩm tốt phải làm sao cho người tiêu dùng (người hâm mộ) tin tưởng và chọn mua. Nếu được nhiều người hâm mộ quan tâm đến sản phẩm này thì chắc chắn bóng đá sẽ phát triển trong thời gian tới. Phương châm của chúng tôi sắp tới sẽ truyền thông điệp đến tất cả CLB và thành viên trong VPF: khách hàng là thượng đế.
- Vì sao VPF lại chỉ ký hợp đồng một năm với chuyên gia người Nhật? (Nguyễn Trung Kiên, 37 tuổi, Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội)
- Ông Võ Quốc Thắng: Kiên thân miến, Tanabe thường có phát biểu trên báo chí và bạn bè là 3 năm nữa ông sẽ nói Tiếng Việt, vì trước khi đến ông đã tìm hiểu kỹ đất nước và con người Việt Nam, có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản. Đó là niềm đam mê và vì sao ông đến Việt Nam.
Cách đây 10 năm, khi ông làm Giám đốc điều hành CLB Yokohama, CLB này đã đến Việt Nam thi đấu 2 trận với đội Olympic Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Tôi nghĩ hợp đồng với Tanabe 1 năm hay 3 năm không phải là vấn đề lớn, khi sự hợp tác được thông hiểu và có sự hiệu quả đem lại được cho 2 bên thì việc tiếp tục không phải là vấn đề khó. Bạn nhớ rằng cách đây 13 năm, ông Calisto đến Việt Nam ký hợp đồng với CLB Đồng Tâm Long An là mỗi tháng và sau đó một năm, 3 năm và cuối cùng ông Calisto đã làm việc cho Đồng Tâm Long An suốt 10 năm trời, trong đó có gần 2 năm làm ở đội tuyển quốc gia.
![IMG-8190-JPG_1362133685[1214082163].jpg](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2013/03/01/IMG-8190-JPG-1362133685-1362133822.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hjCJVtyOabsJEKADi3CtyA)
- Tôi thấy vấn đề tiêu cực trong bóng đá mới đầu mùa giải đã nóng. Điển hình là trận tranh Siêu Cup. Các ông sẽ làm gì đề vượt qua thử thách này, cái được coi là khối u ác tính của bóng đá Việt Nam hiện nay? Rồi chuyện các ông bầu làm bóng đá theo kiểu chẳng giống ai, toàn là muốn quảng bá cho thương hiệu của mình chứa chẳng có chút tâm nào vì bóng đá nước nhà. Mà cụ thể là mấy mùa giải này chúng ta trắng tay. (Qsang, 28 tuổi, LE Hong Phong, Q5, TP HCM)
- Ông Võ Quốc Thắng: Quan điểm cá nhân tôi cũng như những người yêu mến bóng đá Việt Nam đều coi bóng đá tiêu cực là không thể chấp nhận, mục tiêu của VPF là làm sao góp phần cho các giải bóng đá Việt Nam trở nên hấp dẫn và trung thực. Từng cá nhân các cầu thủ các CLB và những người có liên quan đến nghề làm bóng đá phải lấy lòng đam mê, yêu nghề, coi sự trong sáng là hàng đầu thì mới cá nhân cầu thủ đó và CLB đó tồn tại được trong xu hướng của bóng đá.
Chúng tôi VPF sẽ cùng các với các CLB, và cùng với cơ quan chức năng có liên quan quyết tâm làm trong sạch các giải bóng đá kể từ mùa bóng 2013 và tôi tin rằng người hâm mộ và những yêu bóng đá trong sáng sẽ ủng hộ chúng tôi. Chắc chắn rằng những gì luật cho phép chúng tôi sẽ loại bỏ bất cứ một cá nhân tiêu cực nào liên quan tới bóng đá ra khỏi đời sống bóng đá vĩnh viễn trong các giải mà VPF tổ chức.
Dù có khó khăn cách mấy chúng tôi cũng phải cố gắng để làm cho bóng đá phát triển một cách lành mạnh. Mong bạn và những người hâm mộ, yêu mến bóng đá Việt Nam hợp tác cùng chúng tôi hạn chế cái xấu, chống lại tiêu cực và chúng ta cần phải cương quyết để làm bóng đá Việt Nam có chất lượng cao, trong sạch, lành mạnh.
Trong bóng đá chuyên nghiệp thì việc gắn thương hiệu với các CLB là bình thường, tuy nhiên để việc này được làm một chuyên nghiệp thì các CLB cần phải hoàn thiện trong thời gian tới thì mới tồn tại trong mội trường bóng đá phát triển.
- Thưa ông Tanabe, ở Việt Nam có chuyện đội bóng chuyên nghiệp sẵn sàng bỏ giải để xuống đấu ở đội hạng nhất, và có đội sẵn sàng rớt hạng rồi mùa sau mua đội bóng khác để tiếp tục chơi ở giải chuyên nghiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này, và làm cách nào để khắc phục? (Huỳnh Thiết Hiển, 46 tuổi, 81/11 KP4A. Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM)
- Ông Tanabe: Ở Nhật thì không có chuyện này vì mỗi đội bóng phải gắn liền với địa phương. Có như thế họ mới nhận được sự ủng hộ của mọi người đối với đội bóng. Vấn đề ở đây là các đội bóng phải gắn kết với địa phương thì mới phát triển bền vững được.
![IMG-8249-JPG[1214082163].jpg](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2013/03/01/IMG-8249-JPG-1362133822.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zUplN9EvWJIS-kEy_g9K_w)
- Đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam cần có nhiều tiền. Vậy để tổ chức cho 1 mùa giải thành công (không bị lỗ, không có tiêu cực...) có tốn nhiều tiền không? Bao nhiêu là đủ? Và tiền này thu từ nguồn nào? (Ngọc Hải, 40 tuổi, Hải Duơng)
- Ông Võ Quốc Thắng: Bạn Hải thân mến! Đúng là làm bóng đá phải có tiền cũng như chúng ta làm kinh doanh, từng nhà đầu tư cũng phải coi khả năng mình ở đâu. Ở Việt Nam cũng như các nước có nhiều người đam mê làm bóng đá nhưng làm cách nào? Có người lập đội bóng đá ở khu phố, người lập đội ở công ty - nhà máy, người lập đội thi đấu giải hạng 3, hạng nhì, hạng nhất, chuyên nghiệp...
Đương nhiên, mỗi cấp độ đều có gíá đầu tư của nó. Phương châm của tôi cũng như vừa trả lời câu một bạn trước đây, làm bóng đá cũng như chúng ta đầu tư một nhà máy để tạo ra sản phẩm để kinh doanh, Như vậy chúng ta phải có một lộ trình, có kế hoạch và theo khả năng của mỗi người.
Điều quan trọng là khi chúng ta đầu tư làm sao chúng ta tạo ra một sản phẩm tốt để sản phẩm đó được nhiều người tiêu dùng tin yêu, ủng hộ sản phẩm đó. Trong bóng đá thì người hâm mộ đến với bóng đá nhiều hơn, nguồn thu đó sẽ đến với bạn từ nhiều nguồn và vô kể.
Đã làm bóng đá thì tôi mong rằng trong thời gian tới các CLB, các cầu thủ và những người có liên quan trong đó có VPF, hãy coi những người hâm mộ là thượng đế, cộng với sản phẩm tốt thì chắc chắn rằng tiền chúng ta không thiếu từ bóng đá.
- Thưa ông Tanabe, xin ông cho biết việc thúc đẩy để bóng đá Việt Nam phục hưng trở lại có những khó khăn gì không? Hiện nay bóng đá Việt Nam đang thuận lợi và khó khăn gì để phát triển? (Phan Quốc Hoàng, 29 tuổi, 1/4 Bis Nhà Chung, phường 3 - thành phố Đà Lạt)
- Ông Tanabe: Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam hiện nay có hai vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất là phải tìm ra phương cách để người hâm mộ trở lại với bóng đá. Thứ hai là làm sao tìm được nguồn tài trợ cho các câu lạc bộ. Việc phục hưng bóng đá Việt Nam có thuận lợi là người Việt Nam rất cuồng nhiệt với môn thể thao này. Điều khó khăn là làm thế nào để lôi cuốn người hâm mộ đến sân cổ vũ thay vì ngồi nhà xem TV hay nghe đài.
- Xin hỏi ông Võ Quốc Thắng và Ông Kazuyoshi Tanabe có nên quy định không được gắn tên nhà tài trợ vào tên đội bóng để tránh tình trạng một số đội bóng thường xuyên thay đổi tên của mình? (Minh Hiệp, 34 tuổi, TP HCM)
- Ông Võ Quốc Thắng: Có lẽ bạn đang đề cập đến việc không được đặt tên sản phẩm đi kèm với tên của câu lạc bộ (như trường hợp câu lạc bộ Xi măng Sài Gòn Xuân Thành). Theo tôi biết quy định này của AFC nhằm tránh việc đụng chạm đến vấn đề độc quyền của các nhà tài trợ khi họ mang tên giải. Vì vậy sẽ không có bất kỳ một sản phẩm nào là xi măng hay sắt thép, điện tử... trong tên của các câu lạc bộ khi tham dự các giải thuộc hệ thống của AFC.
- Tôi muốn hỏi chuyên gia người Nhật sẽ tư vấn như thế nào về vấn đề các câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam không muốn tham dự các giải khu vực Đông Nam Á cũng như các giải câu lạc bộ Châu Á vì thiếu kinh phí ? (Nguyễn Thanh Lâm, 42 tuổi, TP Vinh, Nghệ An).
- Ông Tanabe: Tôi hiểu được thực trạng này. Ở Nhật cũng có những câu lạc bộ rơi vào hoàn cảnh này. Vấn đề ở đây là các câu lạc bộ, VFF và VPF cùng phối hợp với nhau tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.
- Tôi xin có một câu hỏi đặt ra với Bầu Thắng là trong trường hợp bóng đá VN cứ đi xuống như thế này, khi không còn nhà tài trợ cho V-League thì ông sẽ làm gì với tư cách là chủ tịch VPF? (Nguyễn Tiến Quốc, 25 tuổi, Bạc Liêu)
- Ông Võ Quốc Thắng: Chào Quốc, anh nghĩ chúng ta cần phải lạc quan hơn, bóng đá Việt Nam gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Chúng ta cũng biết, trong thời gian qua, kinh tế thế giới có biến động lớn, các doanh nghiệp Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh, điều đó ảnh hưởng một phần đến bóng đá Việt Nam.
Từ khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các CLB, chính vì vậy các doanh nghiệp chọn con đường ổn định, không còn chi tiêu nhiều cho các khoản quáng cáo, tiếp thị. Cũng từ đó, một số CLB đã giải thể không tham gia mùa giải 2013, phí chuyển nhượng cầu thủ, lương thưởng được các CLB cơ cấu lại đưa về mặt bằng hợp lý so với các năm trước đây để đảm bảo hoạt động cho mùa bóng.
Trong năm 2013, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các nhà tài trợ vẫn tiếp tục tài trợ cho 3 giải đấu của mùa bóng năm nay. Chúng tôi VPF - các CLB ghi nhận sự nhiệt huyết và tấm lòng đối với bóng đá Việt Nam của các nhà tài trợ trên.
Người hâm mộ hãy tin dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì bóng đá Việt Nam vẫn luôn có những người bạn đồng hành bên cạnh chúng ta.
![IMG-8131-JPG[1214082163].jpg](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2013/03/01/IMG-8131-JPG-1362133823.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yGdBahY2W3-uL-NEmKZliw)
- Thưa ông Tanabe, để bóng đá Việt Nam chiếm vị trí cao nhất ở SEA Games sắp tới thì nên thay đổi những gì?(Đinh Mạnh Hùng, 25 tuổi, 113 Nguyen Hưu tho)
- Ông Tanabe: Tôi nghĩ Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch tốt nhất để chuẩn bị cho SEA Games sắp tới diễn ra tại Myanmar. Cá nhân tôi sẽ hỗ trợ hết mình.
- Xin hỏi ông Tanabe, ở Việt Nam có một bộ phận quan chức bóng đá bảo thủ và thiếu trách nhiệm, đó là trở ngại rất lớn cho ông. Nhưng để thay đổi chất lượng bóng đá Việt Nam thì cần phải đương đầu. Ông có dám đương đầu? Và làm bàng cách nào khi ông chỉ là người làm thuê? (Etc21, 40 tuổi, TP HCM)
- Ông Tanabe: Tôi cho rằng những sự bất đồng quan điểm cũng như sự phản biện đều cần thiết để đưa ra liệu pháp tốt nhất nhằm phát triển bóng đá Việt Nam. Mục đích sau cùng là làm cho bóng đá tốt hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ cùng chí hướng khi làm việc với nhau.
Tôi không đặt nặng vấn đề mình làm thuê hay làm chủ mà hiện nay tôi đang làm việc với những người có tâm quyết với bóng đá Việt Nam. Vì thế, tôi tin rằng mình có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra nhằm giúp bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển.
- Thưa ông Võ Quốc Thắng, ngày khai mạc các giải bóng đá đã đến. Năm nay tôi không nghe nói về bản quyền truyền hình của V-League và giải hạng nhất. Vậy các đài truyền hình có truyền hình trực tiếp các trận đấu để phục vụ khán giả nữa không? (Cao Minh Tân, 21 tuổi, D12/15 Ấp 4 Bình Chánh , huyện Bình Chánh, TP HCM)
- Ông Võ Quốc Thắng: Chào Tân, hoạt động của VPF có được từ nhiều nguồn thu, trong đó có tiền bản quyền truyền hình. Mong muốn của VPF cũng như nhiều người hâm mộ là làm sao cho càng nhiều trận bóng đá được truyền hình trực tiếp từ nhiều đài đến người hâm mộ cả nước.
Nguồn thu từ bản quyền truyền hình hiện nay của chúng tôi là gồm: 5 phút quảng cáo trước trận đấu, giữa trận và sau trận, tổng cộng 15 phút mỗi trận. Số tiền ít hay nhiều phụ thuộc vào việc chúng ta có thể bán quảng cáo cho các doanh nghiệp từ thời lượng trên.
Mùa giải này, chúng tôi ước sẽ thu được từ nguồn bản quyền truyền hình là 30-50 tỷ đồng. So với mùa giải trước thì mùa giải này số lượng các trận được truyền hình trực tiếp từ các đài nhiều hơn, bao gồm các kênh: VTV6, VTC, AVG, HTV và các đài truyền hình tỉnh thành khác.
- Xin các ông dự đoán xem bóng đá Việt Nam đến bao giờ mới có mặt tại World Cup? (Nguyễn Văn Toàn, 34 tuổi, Cao đẳng nghề Gia Lai)
- Ông Tanabe: Vấn đề không phải là khi nào bóng đá Việt Nam có mặt tại World Cup mà điều quan trọng là chúng ta có niềm tin rằng chúng ta có thể chơi ở World Cup. Cơ hội lớn nhất và gần nhất để Việt Nam tham dự World Cup là đội tuyển nữ Việt Nam, nếu cố gắng đội tuyển có thể có mặt ở World Cup 2015.
- Ông Thắng: Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đã từng đề cập đến mục tiêu đưa đội tuyển quốc gia lọt vào vòng chung kết World Cup. Tuy nhiên thứ hạng của bóng đá Việt Nam theo bảng xếp hạng của FIFA vẫn còn nằm ngoài Top 100 của thế giới. Như chúng ta biết các đội lọt vào vòng chung kết WC đều ở thứ hạng thấp nhất là từ Top 70 trở lên. Tôi nghĩ chặng đường này đối với bóng đá Việt Nam sẽ không dễ dàng và nhanh chóng nhưng chúng ta cần phải có lộ trình và có chính sách quốc gia trong việc đào tạo các đội tuyển trẻ. Từ đó dần dần cải thiện thứ hạng của mình trên bản đồ bóng đá thế giới. Chúng ta sẽ không thể nói thời điểm cụ thể nhưng cần có khát vọng này ngay từ bây giờ.
- Chào ông, ông đã có kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp tại Nhật tài trợ cho bóng đá VN nói chung và các CLB nói riêng chưa? (Trịnh Thanh Hải, 38 tuổi, Phòng 1808 CT1 Văn Khê - Hà Đông - Hà Nội)
- Ông Tanabe: Dĩ nhiên là tôi đã có kế hoạch để kêu gọi sự tài trợ của các doanh nghiệp Nhật cho bóng đá Việt Nam. Như các bạn đã biết, gần đây Nhật đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và tôi muốn thông qua bóng đá để gắn kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật với người dân Việt Nam.
- Ông ấn tượng nhất với những đội bóng nào ở V-League? Ông có nghĩ V-League khởi tranh với 10 đội tham dự là ít? (Binh, 42 tuổi, quận 7, TP HCM)
- Ông Tanabe: Vì tôi chưa có thời gian khảo sát tất cả các câu lạc bộ nên chưa thể trả lời mình ấn tượng với CLB nào nhất. Thật ra mùa giải năm nay V-League có 12 đội không phải là ít bởi vì giải bóng đá nhà nghề của Nhật bắt đầu cũng chỉ có 10 đội tham dự.
- Điều gì khó khăn nhất khi ông điều hành VPF? (Hoang Thanh Tung, 27 tuổi, Bình Dương)
- Ông Võ Quốc Thắng: Theo tôi thì bất kỳ làm gì cũng có sự khó khăn của nó. Tôi đã trải qua rất nhiều công việc, từ kinh doanh đến tham gia các công việc đoàn thể, chủ tịch, phó chủ tịch các hiệp hội và nay là chủ tịch VPF. Nhưng VPF có những cái khó khác. Điều đầu tiên là bạn phải thể hiện lòng đam mê, yêu bóng đá, bóng đá không phải đơn thuần là bóng đá, khi bóng đá phát triển nó lan rộng cả nước và vươn ra thế giới. Nó góp phần đem lại một nguồn thu vô hình về kinh tế không thể đếm được cho địa phương và đất nước.
Mong muốn của tôi cũng như những người đang làm bóng đá là làm mọi cách cho mọi người trên thế giới biết và hiểu về con người đất nước Việt Nam. Khó là chúng tôi phải tìm cách để làm sao mọi người hiểu và tin tưởng, ủng hộ chúng tôi.
- Thưa ông Tanabe, tiền đang là vấn đề sống còn của các câu lạc bộ ở Việt Nam .Vậy ông đã có kế sách gì để giúp các CLB ở VN vượt qua cơn khủng hoảng này? (Nguyễn Tuấn, 39 tuổi, K14/4TNV Đà Nẵng)
- Ông Tanabe: Điều đầu tiên tôi muốn là làm thế nào để người hâm mộ đến xem và cổ vũ cho các đội bóng thi đấu. Có như thế thì mới nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ các nhà tài trợ.
- Ông có uống bia hơi ở Việt Nam không? Ông thích ăn món gì nhất và có hợp với ẩm thực ở đây không? Xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Tuyết, 26 tuổi, TP HCM)
- Ông Tanabe: Tôi đã uống bia hơi và tôi thấy rất ngon. Món ăn Việt Nam hoàn toàn hợp khẩu vị với tôi và tôi thích nhất là món chè và phở. Khi tôi làm việc ở Pháp, mỗi tuần tôi đều đi ăn ở nhà hàng Việt Nam.
- Hiện nay tôi là một người tổ chức bóng đá phong trào nên tôi cũng muốn hỏi ông Tanabe là liệu bóng đá phong trào có thể tự nuôi sống mình không? Ông có thấy những mô hình nào như vậy trên thế giới hay chưa? Xin cảm ơn. (Quang Nguyễn, 31 tuổi, Tân Bình, TP HCM)
- Ông Tanabe: Ở Nhật cũng như trên thế giới câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư khó có thể tự nuôi sống mình bằng cách tìm các nguồn tài trợ. Tuy nhiên, với bóng đá phong trào (hình thành sân bãi thu hút người tập đến trả tiền) là một loại hình kinh doanh phát triển. Tôi hy vọng bạn có thể phát triển thành bóng đá chuyên nghiệp, khi đó mới có được nhiều nguồn tài trợ để tự nuôi sống mình.
- Tôi đã xem bóng đá ở các giải vô địch quốc gia ở châu Âu như Anh, TBN, Đức... Tôi thấy các cầu thủ của họ ứng xử rất có văn hóa (đa số). Khi bị trọng tài phạt thẻ đỏ dù có bị oan hay không nhưng họ vẫn chấp nhận và rời sân. Còn các cầu thủ VN thì ngược lại. Khi bị phạt thẻ đỏ là xúm lại bao vây trọng tài, có khi lăng mạ. Những trường hợp này VPF có quan tâm nhiều chưa, có hình thức xử lý thế nào để văn hóa bóng đá VN đẹp trong mắt người hâm mộ? (Nguyễn Ka, 30 tuổi, Cần Thơ)
- Ông Võ Quốc Thắng: Giải thưởng FairPlay đã vinh danh những hành vi đẹp và những cá nhân có những hành vi đẹp trên sân cỏ trong mùa bóng vừa qua. Đó cũng là một trong những nỗ lực góp phần làm cho bóng đá Việt Nam đẹp hơn.
Sáng qua (28/2) tại Đà Nẵng, nhân lớp tập huấn giám sát trọng tài trước mùa giải, tôi có phát biểu chia sẻ với các giám sát trọng tài, giám sát trận đấu và các trọng tài là mong muốn của lãnh đạo VPF, của người hâm mộ mùa bóng năm 2013 là các trọng tài cần bản lĩnh hơn, dứt khoát hơn để điều hành trận đấu.
Thứ hai là trọng tài phải cương quyết xử lý những hành vi câu giờ, giả vờ chấn thương, hạn chế cắt vụn trận đấu khi va chạm không cần thiết làm cho trận đấu hấp dẫn hơn, xử lý đúng theo luật FIFA cũng như AFC.
Những hành vi phản ứng trọng tài, hành hung trọng tài sẽ được ban tổ chức xử lý nghiêm khắc hơn. Tuy nguồn tài trợ rất khó khăn nhưng bạn cũng biết năm nay VPF đã dành 15 tỷ đồng cho 12 đội chuyên nghiệp và 5 tỷ đồng cho 8 đội hạng nhất để hỗ trợ một phần kinh phí cho các CLB với điều kiện các CLB - cầu thủ tuân theo quy chế, điều lệ, quy định của ban tổ chức.
Nếu vi phạm, chúng tôi sẽ chế tài và trừ vào các khoản tiền mà chúng tôi đã cam kết cấp cho từng đội bóng.
Vì sự phát triển của bóng đá, trong thời gian tới, VPF tin rằng các CLB, ban tổ chức sân các địa phương, trọng tài, cầu thủ sẽ ý thức được các hành vi ứng xử của mình trong sân bóng.
- Xin chào ông Tanabe. Ông có thể tiết lộ một chút về bản thân, gia đình ở Nhật Bản? Ông sang Việt Nam được một thời gian và cảm nhận gì về nơi đây? (Nguyễn Ngọc Quân, 28 tuổi, Quảng Ninh)
- Ông Tanabe: Tôi đã lập gia đình và hiện nay vợ tôi đang làm việc ở Nhật. Qua lời giới thiệu của tôi, vợ tôi rất muốn sớm sang thăm Việt Nam. Từ lúc còn ở Nhật, tôi đã yêu thích đất nước của các bạn và khi sang đây làm việc tôi cảm nhận Việt Nam là quốc gia mạnh mẽ, đầy sức sống và đây là tiền đề cần thiết để phát triển bóng đá trong tương lai.
- Ông thấy giao thông ở Việt Nam thế nào? Ông có cảm thấy quá khó khăn khi đi lại ở TP HCM hay không? (Lê Thanh Sơn, 29 tuổi, Hà Nội)
- Ông Tanabe: Tôi thấy đường phố Việt Nam có nhiều xe gắn máy hơn ở Nhật. Bản thân tôi có bằng lái quốc tế nhưng tôi nghĩ rằng khó có thể tự lái xe để đi lại ở TP HCM.
- Thưa ông Thắng trong thực trạng bóng đá Việt Nam đang mất lòng tin của người hâm mộ và những người tâm huyết đang rời xa (không đầu tư hoặc giảm đầu tư vào bóng đá) thì VPF có những định hướng gì thêm ngoài thuê chuyên gia Nhật Bản để vực dậy nền bóng đá nước nhà, kéo người hâm mộ tới sân bóng? (Dương Khắc Chiêu, 43 tuổi, Biên Hòa, Đông Nai)
- Ông Võ Quốc Thắng: Chào anh Khắc Chiêu, câu hỏi anh rất hay. Tôi nghĩ là hiện nay cá nhân tôi và các thành viên Hội đồng quản trị VPF đang còn rất nhiều việc chúng tôi cần phải làm, bởi vì chúng tôi rất mong muốn bóng đá Việt Nam nói chung và các giải bóng đá do VPF tổ chức nói riêng có thể phát triển được ngang tầm với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với mục tiêu này, chúng tôi phải chọn những việc cần làm trước, những việc cần làm sau. Điều đầu tiên hiện giờ là gấp rút tiếp cận sâu với các CLB, sau đó chúng tôi lên kế hoạch làm việc từng CLB và cùng phối hợp với CLB định hướng phát triển, bởi vì bóng đá Việt Nam có mạnh hay không là phải mạnh từ cấp CLB. Bên cạnh đó, phải hết sức chú ý đến công tác đào tạo trẻ để nhanh chóng bổ sung lực lượng cho các đội tuyển, rất cần có các trung tâm đào tạo trẻ trực thuộc các CLB như là Hoàng Anh Gia Lai đang làm.
Ngoài ra cần có những giải pháp khả thi về việc tạo nguồn thu từ các CLB và lôi kéo khán giả đến sân trong các trận đấu hiện nay với công nghệ tổ chức tốt, chuyên nghiệp.
Tôi không thể nêu hết tất cả những gì chúng tôi đang suy nghĩ và kế hoạch sẽ làm trong thời gian tới vì có rất nhiều việc cần làm.
- Nhiều người cho rằng VPF mời ông Tanabe sang Việt Nam chủ yếu là mối quan hệ làm ăn của người trong VPF, ông Thắng nghĩ điều gì về suy nghĩ này? (Trọng Hỷ, 59 tuổi, Hà Nội)
- Ông Thắng: Chào anh, tôi không biết anh hỏi là ý gì nhưng với tôi làm việc chỉ có 3 chữ luôn bám chặt vào con người tôi: Tâm - Kiên - Khiêm. Những gì tôi làm ở Việt Nam và cho bóng đá Việt Nam tôi không muốn kể ra đây nhưng tôi xin kể một việc liên quan tới bóng đá. Vào đêm 28/12/2008 tôi được cầm lá cờ Tổ quốc chạy trên sân Mỹ Đình vào đêm đội tuyển Việt Nam vô địch Đông Nam Á mà suốt 10 năm trời tôi tìm mọi cách để góp phần nho nhỏ cho sự thành công đó cũng như những người hâm mộ đã ủng hộ đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Trên thực tế, nếu từ mối quan hệ làm ăn thuận lợi rồi có sự tiến cử tốt thì những người này càng đáng tin cậy. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
- Trước khi sang Việt Nam, ông Tanabe có quen biết nhân vật nào trong Liên đoàn Việt Nam không? Ông đánh giá thế nào về các đồng nghiệp ở cơ quan mới? (Lê Thanh Sơn, 49 tuổi, Quảng Ngãi)
- Ông Tanabe: Trước khi sang Việt Nam tôi không quen biết vị nào trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Hiện nay tôi đang làm việc với các đồng nghiệp ở VPF và thấy mọi người đều có tâm huyết với bóng đá, đều muốn đổi mới để bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn. Tôi rất yêu quý và thích làm việc với những đồng nghiệp như thế. Ngoài ra không chỉ những đồng nghiệp ở VPF mà cả những người đang làm bóng đá mà tôi đã tiếp xúc đều xem tôi như một thành viên trong gia đình bóng đá Việt Nam và tôi cảm kích sự tiếp đón nồng nhiệt này.
- Thưa ông Thắng , ông đánh giá thế nào về bóng đá Việt Nam bây giờ so với thời điểm cách đây khoảng 15 năm. Về trình độ chuyên môn cũng như sự thu hút dành cho khán giả. Vì tôi thấy bây bóng đá được đầu tư với các khoảng tiền rất lớn nhưng thực tế kết quả thành tích mà bóng đá mang lại cho nước nhà hầu như chỉ là con số 0. Xin cảm ơn ông. Chúc ông có một buổi chiều vui vẻ. (Thanh Vinh, 28 tuổi, Tphcm)
- Ông Võ Quốc Thắng: Tôi khẳng định rằng nếu so trận đấu, năng lực cầu thù, tốc độ trận đấu và khả năng đá bóng thì bóng đá Việt Nam chúng ta cao hơn cách đây 15 năm. Trước đây chúng ta thường thi đấu với các nước trong khu vực Asean như Indonesia, Thái Lan thì chúng ta nghĩ khó thắng còn bây giời đã ngang ngửa kể cả cấp độ đội tuyển và CLB.
Nhưng vấn đề chúng tôi đang muốn đến gần hơn với bóng đá Nhật Bản - Hàn Quốc, đó là mơ ước những người làm bóng đá VFF, VPF và những người - hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Tôi nghĩ trong khoản thời gian vừa qua, việc các CLB đầu tư vào trung tâm đào tạo trẻ cũng như nâng cấp các CLB, sân vận động, hình thức tổ chức trận đấu và các CLB bóng đá Việt Nam cũng tham gia giải hệ thống AFC. Tôi nghĩ cũng đã mang lại một kết quả khả quan nào đó cho bóng đá Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như bạn bè các nước.
- Kính gửi Chủ tịch VPF và ông Kazuyoshi Tanabe cho tôi hỏi ý nghĩ của biểu tượng logo mới của VPF là gì? Hai ông kỳ vọng gì về bóng đá Việt Nam qua biểu tượng logo này Cảm ơn ông. (Võ Như Thông, 36 tuổi, Đà Nẵng)
- Ông Tanabe: Với cá nhân tôi, biểu tượng mới của VPF tràn đầy sức sống và sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt Nam. Cuối cùng tôi muốn gửi lời chào tạm biệt đến bạn đọc cũng như người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Chúng ta hãy tin vào tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi - những người đang làm bóng đá mong được sự ủng hộ của người hâm mộ, giới truyền thông cùng chung sức với chúng tôi để bóng đá Việt Nam vươn đến tầm cao mới. Xin cảm ơn tất cả các bạn.
- Ông Thắng: Đó là biểu tượng đoàn kết những con tim yêu thương để phát triển bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam với một tình yêu bóng đá và một niềm tin chiến thắng vĩnh cửu thể hiện qua 3 chữ V (Việt Nam, Viva và Victoria). Bạn có thể tìm hiểu thêm trên website của VPF.
Rất tiếc tôi muốn trả lời hết tất cả câu hỏi của anh chị, các bạn những người yêu bóng đá, quan tâm đến VPF, ông Tanabe, cá nhân tôi nhưng thời gian không cho phép. Tôi cũng khá bất ngờ, quá nhiều câu hỏi còn đặt ra cho chúng tôi, cảm ơn báo VnExpress đã tổ chức cho cá nhân tôi cũng như ông Tanabe chia sẻ cùng anh chị và các bạn, những người quan tâm và yêu mến bóng đá Việt Nam và hy vọng thời gian tới có điều kiện chúng tôi sẽ tiếp tục cùng giới các bạn để giải đáp những thắc mắc mà các bạn cùng quan tâm.
Mong các anh chị, các bạn và các em góp cùng chúng tôi một cánh tay đến sân cổ vũ hoặc góp ý với chúng tôi trên tinh thần xây dựng vì một tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.
VnExpress