Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 29/9/2020, 05:05 (GMT+7)

Ông shipper liệt hai chân ở Sài Gòn

TP HCMÔng Nguyễn Duy Long, 65 tuổi, hai chân bị liệt hoàn toàn từ khi một tuổi nhưng gắn bó với công việc shipper đã 6 năm nay.

"Thời trẻ tôi từng làm nghề sửa xe, đồ mộc mỹ nghệ. Gần chục năm trước sức khỏe yếu chuyển sang bán vé số, cũng đi nhiều nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Sẵn có chiếc xe ba bánh, tôi chuyển sang chở hàng làm tới giờ", ông Nguyễn Duy Long, 65 tuổi, ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nói.

Hồi mới vào nghề, ông nhận giao hàng cho các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm... Nhưng 10 đơn thì chỉ giao thành công khoảng 6 đơn, do khách "bom hàng", vất vả di chuyển, tìm đường nhưng không có thu nhập.

Liệt hai chân nên không thể đứng, ông Long di chuyển bằng cách ngồi và nhấc từng bước nhỏ.

Cũng vì hai chân không có lực để chống xuống đất lùi xe nên người đàn ông này phải sử dụng lực của tay, ghì mạnh vào đầu gối điều khiển chân để lùi. Chiếc xe ba bánh không cần chân chống, cần số và thắng đều được thiết kế để ông Long sử dụng bằng hai tay.

Gần 3 năm nay, ông chỉ nhận giao hàng cho những mối quen ở bến xe Miền Đông. Hàng chuyển từ tỉnh vào thường đóng gói to, cồng kềnh nên việc chất hàng lên xe ông Long phải nhờ những phụ xe hay người nào đó ở gần.

Sau khi chất hàng lên xe, ông Long phải tự xoay xở để cột hàng. "Tôi sợ nhất là chở những bao sầu riêng và mít vì dù có cột chặt cách mấy khi đi bị xóc vẫn tuột vài lần", ông nói.

Tháng trước, ông Long phải đền 300 nghìn cho khách vì lỡ làm rơi mất hàng. Anh phụ xe giúp ông Long cột hàng, bảo "chú cứ đi, không sao" nhưng giữa đường làm rơi mất. Khách nói ông Long không cần đền, nhưng ông một mực rút ví bồi thường.

"Dù là người khuyết tật nhưng khi đã làm để nhận tiền thì phải làm cho tốt. Tôi làm mất hàng thì phải đền, không phải lấy sự khuyết tật của mình ra để mong thông cảm. Họ cũng làm ăn, cũng vất vả vậy", ông Long trải lòng.

Anh Lâm Ngọc (áo màu cam) cũng là một shipper ở quận Bình Thạnh là người thường giúp đỡ ông Long. Những lúc thấy ông "ế khách" quá, anh và những người bạn đồng nghiệp thường chia sẻ các đơn hàng giúp ông có thêm thu nhập. "Tụi tui khỏe mạnh làm nghề này còn thấy vất vả huống gì chú Long. Anh em trong nhóm shipper ai cũng quý chú cả", anh Ngọc nói.

Ông Long cho biết, ông cảm thấy may mắn vì để làm được nghề này trong 6 năm nay ông luôn nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Ông cũng thường nhận được khách "bo thêm" 5 - 7 nghìn cho mỗi chuyến hàng.

Những lúc gọi điện khách không bắt máy, ông Long xuống xe bấm chuông, có khi thì nhờ người qua đường bấm giúp. Lúc mới vào nghề, ông Long không ít lần bị lừa. Có lần, ông nhận giao một đơn ứng trước 600 nghìn, khách hẹn lấy hàng ở một ngã tư, không rõ địa chỉ. Lúc đến giao đến nơi phát hiện là địa chỉ giả, gọi điện không bắt máy. Biết mình bị lừa, ông mở gói hàng thấy hai đôi dép tổ ong, đành ngậm ngùi mang hai đôi dép về nhà.

Trưa 26/9, ông nhận được đơn hàng giao bánh tráng từ bến xe Miền Đông lên đường Lữ Gia, quận 11, đoạn đường hơn 13 km với giá 150 nghìn. Bánh tráng nhẹ nên ông Long chở được trong một chuyến. Gặp những bao hàng nặng, ông Long phải chia làm hai chuyến nhưng vẫn lấy giá của một chuyến đi. "Tôi thường nhận giao những đơn hàng vào buổi trưa vì đường vắng. Mình chở hàng to, xe lại chiếm chỗ đi vào buổi chiều kẹt xe sẽ ảnh hưởng người đi đường", ông Long cho biết.

"Tôi lớn tuổi rồi, lại không có vốn liếng để buôn bán gì nên thấy nghề shipper này hợp với mình nhất trong lúc này", ông Long nói giọng lạc quan giữa lúc đang ế ẩm ngồi không. Hai hôm liên tiếp, ông ngồi ở một quán cà phê quen gần bến xe từ sáng đến chiều chờ đơn, nhưng không có ai gọi chở gì. Trong lúc chờ, ông lướt Facebook, vào các nhóm tìm shipper, xem có ai ở gần mình nhờ chở hàng nhưng vừa thấy bài đăng thì đã có vài người nhận đơn trước, đi với giá rất rẻ nên ông Long đành chịu.

Tuy không khá giả, nhưng ông Long rất thích làm việc thiện. Hơn 10 năm trước, ông Long gần như liệt cánh tay, nhờ một người chỉ cho bài thuốc rượu ngâm nên khỏi hẳn. Từ đó, ông thường làm rượu để tặng những người quen và bán cho những ai cần. Nhiều năm nay ông cũng không nhận quà từ các mạnh thường quân vì nghĩ mình còn kiếm ra tiền. "Ấy vậy mà đợt dịch Covid - 19 vừa rồi, có người còn nhớ tới tôi, sợ tôi khó khăn nên đã gửi tôi phần quà gạo và mì", ông Long khoe.

Ông Long hiện đang sống cùng vợ con tại một căn trọ nhỏ ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. 55 tuổi ông mới lập gia đình, con ông năm nay mới học lớp 7. Vợ ông làm nghề nấu ăn trong trường mẫu giáo. Điều ông lo nhất là đứa con còn nhỏ trong khi thu nhập của ông lại không ổn định. "Hoàn cảnh khó khăn nên chồng có làm gì thêm kiếm tiền thì tôi cũng ủng hộ cả. Lúc ông ấy nói sẽ làm giao hàng tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm được đến bây giờ", bà Đỗ Thị Tuất, 53 tuổi vợ ông Long nói.

Diệp Phan