Một lần, khi ông vừa đến Kiên Giang, các cô phục vụ trong Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang hỏi: "Bác Sáu uống gì ạ?" thì ông nói ngay: "Không lẽ về xứ buôn lậu này mà uống trà đá. Có Coca không cháu?". Cô phục vụ rụt rè vì Coca lúc đó chưa được tiêu dùng rộng rãi. Nhưng ông tỏ ra rất nghiêm túc, không có vẻ gì là nói đùa.
Chuyến đó, ông Kiệt về Kiên Giang chủ trì hội nghị chống buôn lậu trên vùng biển Tây Nam. Hoạt động phi pháp này đang diễn ra sôi động vì hàng hóa thiết yếu của Việt Nam lúc bấy giờ thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo, vải vóc tới thuốc lá và thực phẩm. Những năm đó, Coca-Cola là hàng buôn lậu từ Thái Lan sang.
Hôm sau, tại hội nghị, ông nhiều lần nhấn mạnh: Chống buôn lậu là phải tạo ra việc trao đổi hàng hóa hợp pháp qua biên giới chớ không phải chỉ ngăn cấm, bắt bớ người dân buôn bán qua lại với nước láng giềng. Lúc đó tôi mới nhận ra, ông muốn làm sao dân có thể uống Coca một cách đàng hoàng.
Câu chuyện nhỏ này là biểu hiện của lối làm việc gắn với thực tiễn của nhà kỹ trị có tầm nhìn xa, hành động táo bạo, quyết đoán. Trong sự nghiệp của mình, ông đã giải quyết nhiều vấn đề vĩ mô, tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân. Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng nhận định: "Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".
Với dấu ấn cá nhân để lại trên nhiều lĩnh vực, ông có rất nhiều tên gọi: là "Thủ tướng điện" vì vai trò kiến thiết và chỉ huy xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc Nam; là "Chủ tịch gạo" vì nỗ lực cứu đói cho dân, giải quyết vấn đề thiếu lương thực của TP HCM; là "Tướng xé rào" bởi những chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, xã hội...
Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả là định danh "ông Sáu vì dân". Theo chân ông trong những chuyến công tác, tôi luôn thấy hình ảnh của một con người hành động, tìm hiểu đến cùng các vấn đề khó khăn của địa phương để đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Phú Quốc của Kiên Giang giờ đây là hòn đảo phát triển mạnh, một phần nhờ ông Sáu. Ông là một trong những lãnh đạo đầu tiên mở hướng cho hòn đảo này. Năm 1985, khi đi thị sát nhiều hòn còn hoang sơ phía Nam Phú Quốc như Hòn Mây Rút, Hòn Rơi, Hòn Móng Tay... ông đã nói "Phú Quốc phải là hòn đảo xanh". Ông không dùng cụm từ "đảo ngọc" là muốn nhấn mạnh yếu tố môi trường cần đặc biệt coi trọng khi đô thị hóa.
Về Phú Quốc, ông không chỉ gặp cán bộ địa phương mà cho mời người "cố cựu", là ông Đặng Văn Thời (Sáu Thời), chủ nhà thùng (hãng nước mắm) Hưng Thành lâu đời và nổi tiếng. Ông Sáu Dân tỏ ra rất thích thú khi nghe rằng, nước mắm Phú Quốc ngon còn do ngọn gió mùa Tây Nam thổi qua hòn đảo. Ngọn gió làm điều hòa nhiệt độ dưới mái che nhà thùng mà ở nơi khác, không có ngọn gió ấy, nước mắm kém ngon... Ông Sáu Thời sau đó đạo đạt với ông Sáu Dân cách thức xuất khẩu nước mắm sang châu Âu. Vài tháng sau lần gặp ấy, Sáu Thời lên TP HCM làm thủ tục với viên chức Bộ Ngoại thương và cùng năm đó, nước mắm Phú Quốc hiện diện ở Pháp...
Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về thói quen biết lắng nghe, cách làm việc rốt ráo, nhanh gọn, dám chịu trách nhiệm của ông Sáu.
Đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề cần tư duy sáng tạo, tinh thần quyết liệt hành động để tháo gỡ các khó khăn, bế tắc. Câu nói nổi tiếng của ông trước quyết định khởi công đường dây truyền tải điện 500 kV "Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng sang một bên" hơn bao giờ hết cần được tiếp nối để tạo nên những xoay chuyển kịp thời.
Trần Chí Kông