"Những thay đổi lớn lao, mang tính cách mạng thực sự sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới hài hòa, công bằng hơn, an toàn và hướng tới cộng đồng hơn", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở Moskva hôm 20/7.
Theo ông Putin, trong kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi này, "chỉ các quốc gia có chủ quyền thực sự mới có thể thành công". Ông định nghĩa các quốc gia có chủ quyền thực sự là những nước "được tự do phát triển quốc gia và mỗi cá nhân, cũng như khả năng thành công về công nghệ, văn hóa, tri thức, giáo dục", đồng thời là một xã hội dân sự hướng tới quốc gia, có trách nhiệm và tích cực.
Ông Putin cho rằng quốc gia như vậy sẽ là tấm gương cho những nước khác về "tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ các giá trị truyền thống và lý tưởng nhân văn cao đẹp".
"Thế giới kiểu này trái ngược hẳn với trật tự thế giới đơn cực do phương Tây thống trị, vốn đang kìm hãm đà phát triển của nền văn minh chúng ta", ông nói, đồng thời cáo buộc phương Tây "phân biệt chủng tộc và có tư tưởng tân thuộc địa, ngày càng trở nên giống chủ nghĩa toàn trị".
Tổng thống Nga cho rằng dù giới tinh hoa phương Tây rất nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới hiện tại, những thay đổi trên là "không thể đảo ngược".
Mỹ và các nước phương Tây chưa bình luận về tuyên bố của Tổng thống Putin.
Ông Putin từ lâu đã đề cập sự kết thúc của thế giới đơn cực. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Tổng thống Nga nói rằng "thế giới đơn cực được đề xuất sau Chiến tranh Lạnh đã không thành hiện thực". Ông giải thích rằng thế giới đơn cực không chỉ hủy hoại tất cả mọi người trong hệ thống đó, mà còn làm tổn hại tới chủ quyền.
Ông cũng cáo buộc Mỹ bỏ qua "nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", nhấn mạnh rằng "các hành động đơn phương và thường là bất hợp pháp" chưa bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ hy vọng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khi hoàn thành sẽ buộc các quốc gia phương Tây "ngừng thúc đẩy cái gọi là thế giới đơn cực dưới sự thống trị của Mỹ và đồng minh".
Ý tưởng về thế giới "đa cực" mới cũng đã được thảo luận ở phương Tây, gần đây nhất là bởi Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Tuy nhiên, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây tuyên bố ý định "cô lập" Moskva và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có.
Điện Kremlin coi những hành động này là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm "kiềm chế" Nga và duy trì trật tự thế giới hiện nay.
Huyền Lê (Theo RT)