"Khoảng 140.000 máy bay không người lái (UAV) các loại đã được bàn giao cho lực lượng vũ trang trong năm 2023. Năm nay, sản lượng UAV dự kiến tăng đáng kể. Chính xác hơn là gần 10 lần", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp về vấn đề sản xuất UAV của Ủy ban Công nghiệp quốc phòng hôm 19/9.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga đang đạt tiến bộ "gần như hàng tuần" về công nghệ UAV và cần phát triển cả hệ thống phòng thủ, gồm công nghệ cảm biến, gây nhiễu và khí tài chuyên bắn hạ UAV.
"Nhiệm vụ chính là chế tạo nhiều loại UAV để đưa vào sản xuất hàng loạt càng nhanh càng tốt. Ai phản ứng nhanh hơn trước những yêu cầu trên chiến trường sẽ giành chiến thắng", ông nhấn mạnh.
Xung đột Nga - Ukraine là bước ngoặt cho ngành sản xuất UAV, đồng thời là bằng chứng cho tầm quan trọng của thiết bị này trong tác chiến hiện đại. Cả Nga và Ukraine đều tham gia cuộc chạy đua phát triển UAV, điều chỉnh hệ thống để vô hiệu hóa phương án chống đỡ của đối phương, thậm chí sao chép của nhau để giành lợi thế hoặc duy trì thế cân bằng.
Thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) là một trong các vũ khí chủ đạo tại chiến trường Ukraine, nhờ giá thành rẻ, dễ sản xuất, có thể gây sát thương lớn đối với cả phương tiện hạng nặng nếu đánh trúng vị trí hiểm yếu. Loại khí tài này đã nhiều lần được nâng cấp, mới nhất là bổ sung khả năng rải chất nhiệt nhôm để đốt cháy các rặng cây, chiến hào mà đối phương ẩn nấp.
Nga cũng triển khai nhiều loại UAV tự sát cho chiến dịch tại Ukraine, nổi bật là Geran-2 với tầm bay ước tính 2.500 km và Lancet chuyên tập kích mục tiêu ở khu vực tiền tuyến và hậu phương, cùng nhiều loại UAV trinh sát chuyên theo dõi và chỉ điểm mục tiêu cho đòn tập kích bằng bom lượn và tên lửa dẫn đường.
Vũ Hoàng (Theo RIA Novosti, Reuters)