"Chúng ta có đủ nguồn lực và cơ hội để nhanh chóng tìm ra những giải pháp thay thế. Đối với dầu, khí đốt và than đá Nga, chúng ta có thể tăng tiêu thụ trên thị trường nội địa và cung cấp năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới, những nơi thật sự cần", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm 13/4.
Tuyên bố được ông Putin đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh cấm vận và hạn chế năng lượng Nga như một phần của biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu.
Tổng thống Nga cho biết thêm cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu là do các nước trong khu vực này từ chối "hợp tác bình thường với Nga, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân".
Ông Putin thừa nhận Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, song điều này cũng đem tới những cơ hội mới. Tổng thống Nga cáo buộc "các nước thù địch" đã phá hủy chuỗi cung ứng ở vùng Bắc Cực của Nga và một số quốc gia không hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng năng lượng, gây ra vấn đề cho Moskva.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cùng ngày cho biết nước này đã sẵn sàng bán dầu và chế phẩm dầu cho "các quốc gia thân thiện" trong bối cảnh các khách hàng truyền thống đang dần từ bỏ năng lượng Nga, khiến nước này phải giảm sản lượng khai thác dầu thô.
Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá. EU cho biết đang tìm cách dần loại bỏ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng không muốn áp lệnh cấm vận lập tức.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn thoát phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027.
EU và Mỹ hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai.
Ngọc Ánh (Theo AFP/RT)