"Mỹ tự xưng là đại diện của Chúa sau khi thắng trong Chiến tranh Lạnh, chỉ biết đến lợi ích mà không màng tới trách nhiệm", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St. Petersburg, Nga, ngày 17/6. "Họ cho rằng lợi ích của mình là thiêng liêng. Nhưng đó là con đường một chiều khiến thế giới bất ổn".
Đây là một trong những bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Putin kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, được coi là cơ hội để thế giới hiểu hơn về suy nghĩ của ông.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Nga cho rằng Mỹ sống trong "ảo tưởng quá khứ", trong khi thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ và "kỷ nguyên của thế giới đơn cực đã kết thúc".
"Họ nghĩ đã chiến thắng và những nước khác chỉ là thuộc địa, sân sau, người dân các nước đó chỉ là công dân hạng hai", ông Putin nói. "Mỹ dường như không biết rằng các trung tâm quyền lực mới đã xuất hiện trên toàn cầu và đang phát triển hệ thống chính trị, mô hình tăng trưởng kinh tế của riêng mình. Họ đương nhiên có quyền bảo vệ những thành tựu này, cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Tổng thống Putin cũng chỉ trích phương Tây đang tìm cách làm tổn thương nền kinh tế Nga, gọi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva là "điên rồ" và "liều lĩnh".
"Ý định của họ là tấn công nền kinh tế Nga bằng cách phá vỡ chuỗi cung ứng, đóng băng tài sản quốc gia, tấn công vào cuộc sống của người dân", ông nói. "Nhưng mọi việc không theo ý họ, các doanh nhân Nga đã tập hợp, cùng làm việc một cách tận tâm và siêng năng. Nga đang từng bước bình thường hóa tình hình kinh tế".
Trước đó, Tổng thống Putin nhận định Nga phải tìm kiếm các đối tác thương mại mới, bởi tự cung tự cấp không phải giải pháp ứng phó loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. Truyền thông nhà nước Nga cho biết nước này chịu khoảng 10.000 hạn chế, trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Liên minh châu Âu cũng quyết định cấm vận dầu Nga, tiến tới loại bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong 6 tháng tới.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore.
Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu, với lý do những nước này không chấp nhận thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble theo yêu cầu từ phía Moskva. Nước này cũng tăng cường hợp tác năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ thông qua bán dầu thô giá rẻ.
Đức Trung (Theo TASS, CNN)