"Tôi ra lệnh công nhận chủ quyền và độc lập nhà nước" của các khu vực Zaporizhzhia và Kherson, miền nam Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay trong các sắc lệnh được công bố đêm 29/9.
Theo đó, một tài liệu công nhận "chủ quyền nhà nước và độc lập của vùng Zaporizhzhia", tài liệu kia công nhận vùng Kherson. Cả hai đều có hiệu lực vào ngày được ký kết.
Theo các tài liệu, "quyết định của Tổng thống Nga dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, thừa nhận và khẳng định nguyên tắc bình đẳng, quyền tự quyết của các dân tộc được Hiến chương Liên Hợp Quốc tôn trọng và dựa trên ý chí của người dân thông qua trưng cầu dân ý".
Các cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga diễn ra tại 4 vùng Ukraine là Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam và Donetsk, Lugansk ở miền đông từ ngày 23/9 đến 27/9. Tại Zaporizhzhia và Kherson, câu hỏi trong lá phiếu là: "Bạn có ủng hộ khu vực tách khỏi Ukraine, trở thành quốc gia độc lập và gia nhập Liên bang Nga?".
Điện Kremlin hôm qua thông báo lễ ký kết sáp nhập 4 vùng này sẽ diễn ra tại Đại sảnh Georgian của Đại điện Kremlin lúc 15h ngày 30/9 (19h giờ Hà Nội) và Tổng thống Nga sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Bốn vùng lãnh thổ này rộng 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine và dân số ước tính khoảng 4 triệu người, tạo thành hành lang trên bộ quan trọng nối Nga với bán đảo Crimea. Nga chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào trong số này.
Donetsk và Lugansk là hai tỉnh tạo thành vùng Donbass, miền đông Ukraine. Hai khu vực này trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây tổ chức phong trào phản kháng vũ trang đòi quyền tự trị và ly khai khỏi Ukraine. Tổng thống Putin ngày 21/2 công nhận độc lập cho DPR và LPR, sau đó phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm "giải phóng Donbass".
Nga kiểm soát hầu hết Kherson và 73% tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine kể từ hồi tháng 3.
Điện Kremlin cho rằng các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý có ý nghĩa pháp lý và cũng tạo ra các tác động về an ninh, ám chỉ cảnh báo rằng Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" sau khi sáp nhập 4 vùng của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi đây là "trò hề", còn các nước phương Tây cũng coi các cuộc trưng cầu dân ý là "dàn dựng". Liên Hợp Quốc tuyên bố vẫn duy trì cam kết đối với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chỉ trích động thái sáp nhập của Nga là "leo thang nguy hiểm", "không có chỗ trong thế giới hiện đại".
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ "không bao giờ công nhận những tuyên bố chủ quyền của Nga trên lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine", sau khi Điện Kremlin công bố thời gian sáp nhập.
Huyền Lê (Theo TASS, AFP)