Ngày 5/3, phát biểu khai mạc Triển lãm công nghệ giáo dục quốc tế BESS Việt Nam 2019 tại TP HCM, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động dạy, học ngoại ngữ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá trong đổi mới giáo dục. Các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn với người học bởi những phần mềm mô phỏng, các thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học, nội dung số.
"Công nghệ giáo dục đang xóa dần khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc mọi nơi, theo điều kiện, sở thích", ông Nhạ nói và cho biết công nghệ cũng giúp việc quản lý ngành trở nên khoa học và minh bạch. Các cơ sở dữ liệu là cơ sở để dự báo chính xác, ban hành và thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn.
Hiện, ngành giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin chi tiết của gần 52.000 trường mầm non, phổ thông với hơn 1,5 triệu giáo viên và 24 triệu học sinh. Đây được xem là kho dữ liệu lớn, đáng tin cậy phục vụ công tác quy hoạch và quản lý ngành.
Ngoài ra, 80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý trực tuyến. Bộ Giáo dục cũng triển khai thành công hệ thống quản lý hành chính điện tử và kết nối với tất cả sở giáo dục, hơn 300 cơ sở đào tạo. Hơn 5.000 bài giảng trong chương trình phổ thông đã được số hóa dưới dạng e-learning. Hiện, hơn 60% giáo viên có thể ứng dụng được công nghệ thông tin trong dạy học, trong đó 22% có thể tự soạn được bài giảng trực tuyến.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, sắp tới các chính sách mới sẽ được ban hành để tạo hành lang pháp lý, sự thuận lợi triển khai công nghệ giáo dục trong các hoạt động dạy học, kiểm tra và quản lý. "Bộ sẽ có giải pháp thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giáo dục với đối tác trong và ngoài nước. Các cơ sở giáo dục sẽ được tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng dạy và học", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Trong khuôn khổ triển lãm, Bộ Giáo dục và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Đây được coi là bước đi quan trọng của Bộ Giáo dục trong nỗ lực đổi mới toàn ngành nhờ công nghệ, mang lại lợi ích cho các đơn vị giáo dục và người học.
"Thành bại của Việt Nam trong cuộc các mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. FPT sẵn sàng góp sức bằng công nghệ và bằng thực tiễn tham gia giáo dục để đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực này", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nói.
Theo thỏa thuận, FPT sẽ hỗ trợ Bộ Giáo dục xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số, xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử của Bộ; triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, góp phần hiện đại hóa mô hình đào tạo đại học, đồng thời là đối tác chiến lược thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tổ chức giáo dục FPT, cụ thể là Trường Đại học FPT, sẽ tham gia các hoạt động phổ cập và đào tạo chuyên sâu về AI, tiên phong đào tạo theo mô hình mới (EdTech) gắn giáo dục với công nghệ, góp phần tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh cho sinh viên Việt Nam.
Triển lãm công nghệ giáo dục quốc tế BESS 2019 là sự kiện đầu tiên của Hiệp hội các nhà cung cấp công nghệ giáo dục Anh Quốc (BESA) tại Việt Nam, phối hợp cùng các cơ quan Bộ Giáo dục. Tại đây, các đơn vị giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ công nghệ giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm, BESS còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề và các hoạt động trải nghiệm công nghệ bên lề, gồm 4 chủ đề chính: ứng dụng công nghệ trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; ứng dụng công nghệ trong quản lý và triển khai chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo; ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ; khởi nghiệp sáng tạo, STEAM và trải nghiệm các công nghệ.