"Thành quả trên đến từ sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự nỗ lực, kiên trì của người dân và đặc biệt sự đóng góp, chi viện to lớn từ các lực lượng trên mọi miền đất nước", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại Lễ tuyên dương Đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19, sáng 6/10.
Theo ông Mãi, TP HCM và các tỉnh thành phía Nam đã trải qua suốt 2 tháng "chiến đấu" Covid-19 vô cùng căng thẳng, khốc liệt. Khi số ca mắc mới và tử vong ngày càng tăng cao, các bệnh viện dần quá tải, lực lượng y tế làm việc ngày đêm mà chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
"Trong bối cảnh đó, các đoàn y, bác sĩ đã chi viện cho TP HCM không chút do dự, xa cha mẹ già yếu, con nhỏ, thậm chí không kịp về nhà vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay mưa, các anh chị em mặc kín đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc", ông Mãi nói và cho rằng những hình ảnh đó còn in đậm và mãi lưu trong lòng người dân thành phố.
Đến nay, thành phố nhận sự hỗ trợ của gần 29.000 nhân sự từ các bộ ngành và địa phương. Trong đó, có 6.600 cán bộ, nhân viên y tế từ 40 bệnh viện thuộc các bộ, ngành Trung trương và 37 sở y tế của các tỉnh, thành với 1.251 bác sĩ, 2.813 điều dưỡng, 289 kỹ thuật viên và 160 nhân viên y tế tham gia công tác tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, hồi sức và các khu cách ly.
Để giảm thiểu tử vong, Bộ Y tế đã thành lập 4 trung tâm hồi sức tích cực với 2.086 cán bộ, nhân viên y tế. Bộ Quốc phòng cũng bổ sung 1.434 y bác sĩ để hỗ trợ cho thành phố. Có 3.385 giảng viên, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y thuộc bộ, ngành tham gia hỗ trợ TP HCM lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng tăng cường 16.637 người tham gia thực hiện nhiệm vụ ở trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; phối hợp Công an TP HCM triển khai 236 chốt kiểm soát liên ngành và 452 tổ tuần tra kiểm soát... Bộ Công an cũng tăng cường 1.749 chiến sĩ, làm nhiệm vụ tại 41 chốt cấp thành phố.
Bày tỏ sự tri ân đến các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế và hơn hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã đồng hành suốt thời gian qua, ông Mãi nói rằng những bài học, buồn vui, những điều đúng và chưa đúng, được và mất sẽ trở thành bài học quý cho chính TP HCM cùng các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố có thể sẽ phải trải qua thêm nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, thành phố chắc chắn sẽ cùng cả nước chiến thắng đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Tại buổi lễ, thay mặt lực lượng tuyến đầu hỗ trợ thành phố, bác sĩ Bùi Quang Huy, Phó trưởng khoa Nội tim trẻ em (Bệnh viện E Trung ương) cho biết cuộc chiến chống Covid-19 chưa có tiền lệ, không tiếng súng, nhưng mức độ khốc liệt không kém cuộc chiến chống giặc khác.
"Khi quyết định xung phong lên đường, mọi người đều xác định không chỉ là hỗ trợ mà đây thực sự là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với đồng nghiệp tại thành phố. Đến hỗ trợ thành phố trước hết là trách nhiệm của người làm nghề y trước bệnh tật, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào", bác sĩ Huy nói.
Trước đó, báo cáo kết quả phòng, chống Covid-19 thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết công cuộc phòng, chống Covid-19 không ngừng nghỉ của thành phố bắt đầu từ ngày 26/5 khi chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng bùng phát.
Đến đầu tháng 8, số ca nhiễm trong cộng đồng ở TP HCM tăng đột biến, ngành y tế có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bộ Y tế đã dồn toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất cùng thành phố gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực ở tầng 3 nhằm tập trung điều trị ca nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo ông Châu, gần đây y tế thành phố chuyển hướng tập trung cao cho công tác điều trị từ cơ sở. Cùng với xét nghiệm nhanh, các phường, xã cấp phát thuốc, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ nét. "Nhờ được cách ly, điều trị tại nhà, các F0 bớt căng thẳng về mặt tâm lý. Số ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm, hạn chế áp lực lên các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến", ông Châu nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế thành phố cũng nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình phòng, chống dịch vừa qua như: tiến độ xét nghiệm còn chậm, việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng còn chưa đạt kỳ vọng; việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và sở, ngành trong tiêm chủng có lúc còn hạn chế; một số nơi còn lo lắng thái quá, thậm chí kỳ thị, hiểu sai chủ trương "bóc tách F0", dẫn đến việc bệnh nhân Covid-19 đủ điều kiện vẫn không được cách ly tại nhà...
Trung Sơn