Hội nghị Trung ương 13 và 14 (khóa XII) đã xem xét công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII. VnExpress trao đổi với ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, về nội dung này.
- Là người từng tham gia nhiều khóa Trung ương, ông suy nghĩ như thế nào về quá trình chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII?
- Tôi cho rằng công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII bài bản, chặt chẽ và tốt hơn so với nhiều Đại hội trước, nhất là Đại hội XII. Trước hết, nhiệm kỳ này Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, nhất là Tổng Bí thư yêu cầu chuẩn bị nhân sự phải quan tâm đến cả tiêu chuẩn và cơ cấu. Trong đó, tiêu chuẩn cần được xem là yêu cầu số một, không vì cơ cấu mà giảm tiêu chuẩn.
Điều này rất đúng và cần thiết. Chỉ bảo đảm tiêu chuẩn thì cơ quan lãnh đạo Đảng mới đủ bản lĩnh, năng lực, phẩm chất, tín nhiệm để đảm đương nhiệm vụ. Nhưng cơ cấu cũng quan trọng, đảm bảo Ban chấp hành Trung ương có nhân tố hài hòa, đại diện cho toàn Đảng, có điều kiện thuận lợi để lãnh đạo toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền.
Tôi nhận thấy trước đây đã có khá nhiều trường hợp vì chạy theo cơ cấu mà không bảo đảm tiêu chuẩn, làm yếu Ban chấp hành Trung ương. Người được bầu vào cơ quan lãnh đạo nhưng không đủ tiêu chuẩn, không làm tròn vai trò cấp ủy, ủy viên Trung ương thì cơ cấu mà họ đảm nhiệm cũng chỉ là hình thức, có cũng như không; lại chiếm mất chỗ của người khác và có thể gây ra những sai lầm, thiệt hại. Vì vậy, phải đặt tiêu chuẩn lên hàng đầu, không nên vì cơ cấu mà làm yếu Ban chấp hành Trung ương.
Điểm mới thứ hai là lần này Trung ương, Bộ Chính trị nhấn mạnh hai tiêu chuẩn, gồm: Bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng, tiêu biểu, không được có những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền.
Nhấn mạnh những tiêu chuẩn ấy lúc này rất cần thiết, vì chúng ta đang đứng trước thời cơ phát triển, nhưng cũng rất nhiều thách thức, khó lường, đặc biệt là tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông đang diễn biến rất nhanh, phức tạp. Bối cảnh đó đòi hỏi những người lãnh đạo phải có đủ bản lĩnh, vững vàng trong mọi tình huống, trước mọi thử thách.
Điểm mới thứ 3 là công tác nhân sự khóa XIII có sự thống nhất cao giữa Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Điều này khác hẳn với lúc chuẩn bị Đại hội XII. Khi đó, nhiều người trong danh sách do Bộ Chính trị và Ban Bí thư đề nghị với Trung ương khóa XI giới thiệu để Trung ương khóa mới bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, song không được Ban chấp hành Trung ương khóa XI chấp nhận.
Trung ương khóa XI lại biểu quyết giới thiệu nhiều nhân sự nằm ngoài dự kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Một số trường hợp trong danh sách Trung ương mới bổ sung này về sau được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII (đương nhiệm) rất xứng đáng, hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhưng cũng có trường hợp về sau cho thấy lựa chọn lúc đó là sai lầm.
Điển hình như trường hợp Đinh La Thăng, lúc bấy giờ Bộ Chính trị không giới thiệu, nhưng Trung ương giới thiệu bổ sung, đến giữa nhiệm kỳ thì bị kỷ luật và thậm chí hiện bị kết án tù. Hàng loạt cán bộ cấp ủy Đảng các cấp, trong đó có khoảng chục Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng bị kỷ luật cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII có thiếu sót, sai lầm. Hiện còn quá sớm để đánh giá danh sách nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương khóa này lựa chọn, nhưng sự đồng thuận đã tốt hơn.
Một điểm mới nữa là việc bầu cử cấp ủy của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương như các tỉnh, thành ủy khóa này cũng được chuẩn bị chủ động hơn, sớm hơn và để lại ấn tượng ban đầu là chất lượng tốt hơn. Không ít trường hợp Trung ương đưa cán bộ từ các nơi khác về địa phương giữ vị trí chủ chốt, đem lại hiệu quả tích cực. Không chỉ nhân sự Bí thư, mà Giám đốc công an không phải người địa phương cũng giúp phanh phui được một số vụ án tồn tại từ nhiều năm trước ở địa phương.
- Ở trên ông nói hai tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức lúc này rất cần thiết. Vì sao như vậy?
- Tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức trong sáng liên quan đến cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Lúc này đây là nhiệm vụ nóng bỏng mà toàn Đảng, toàn dân đang quan tâm. Nhiệm kỳ này, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều thành tựu, nhưng tham nhũng, tiêu cực còn nghiêm trọng, cuộc đấu tranh còn lâu dài. Vì vậy, người tham gia cơ quan lãnh đạo của Đảng phải là tấm gương sáng trên mặt trận này mới đủ tư cách lãnh đạo quần chúng.
Nhìn lại thời điểm trước Đại hội XII, chúng ta lâm vào hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo khi nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản. Nhiều dự án xây dựng quan trọng bị thất bại, không hiệu quả. Trong khi đó, kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, không phát triển mạnh được. Chúng ta thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài nhưng quản lý, lựa chọn không tốt. Kết quả là nhịp độ phát triển kinh tế xã hội chậm dần, chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế kém; đất nước liên tục bội chi ngân sách, nhập siêu, nợ công, nợ xấu ngày càng chồng chất.
Một số giải pháp đưa ra mang tính tình thế, chắp vá, thiếu biện pháp căn cơ. Ví dụ, chúng ta lo đi vay nợ mới để có tiền trả nợ cũ, xoay vòng nợ, đảo nợ; vấn đề xử lý một số ngân hàng của tư nhân đang trên bờ vực phá sản... Theo tôi nghĩ, lúc bấy giờ, chúng ta không còn cách xa bờ vực khủng hoảng kinh tế xã hội bao nhiêu.
Trong bối cảnh đó, kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng ở nhiều cấp, nhiều nơi. Một số vụ án quan trọng dù điều tra, kiểm tra, thanh tra liên tục nhưng có biểu hiện "chìm xuồng". Người dân không khó nhận ra trong cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp, từ trung ương đến cơ sở ngày càng có nhiều lãnh đạo biểu hiện cơ hội, bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay cho những kẻ tội phạm nhưng giỏi xu nịnh, đút lót... Theo dõi các vụ án được truy tố, xét xử trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã thấy phần nào điều đó.
Nhiệm kỳ khóa XII này, Đảng, Nhà nước đã kiên quyết đẩy mạnh trở lại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhìn thẳng vào sự thật, nên đã xoay chuyển được tình hình. Kinh tế đạt nhịp độ tăng trưởng cao hơn, cân đối vĩ mô được cải thiện, liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại hối ngày càng tăng, bội chi ngân sách được kiềm chế, nợ công, nợ xấu giảm. Vừa khắc phục những nhân tố không lành mạnh của nền kinh tế, chúng ta vừa tạo tiền đề phát triển bền vững, tiếp cận, vươn lên để bắt nhịp được với những xu hướng tiến bộ mới của nền kinh tế thế giới.
Công tác xây dựng Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ này cũng có biến chuyển rõ ràng. Chúng ta đã nghiêm khắc đưa các vụ án trong đó có nhiều vụ án lớn ra giám sát, xử lý theo quy định pháp luật; thi hành kỷ luật nhiều cán bộ của Đảng và Nhà nước, kể cả ở cấp rất cao. Đây không phải việc đáng vui mừng nhưng cần thiết và bắt buộc phải làm để vượt qua được những khủng hoảng và để đất nước phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội.
Những thành tựu về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ khóa XII, có thể coi là vết son trong toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước thời gian gần đây.
- Ban chấp hành Trung ương khóa mới được dự kiến ba độ tuổi (dưới 50; 50 đến 60 và từ 61 tuổi trở lên). Theo ông, cơ cấu 3 độ tuổi này ý nghĩa như thế nào trong công tác nhân sự ở Việt Nam?
- Đảng chủ trương trong Ban chấp hành Trung ương sắp tới phải có 3 độ tuổi, phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15-20%; 50-60 tuổi khoảng 70% và từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%. Quan tâm đến cơ cấu tuổi là cần thiết vì vì mỗi độ tuổi có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Trẻ thì sung sức, năng động, mạnh dạn đổi mới, nhưng kinh nghiệm có thể còn thiếu, sự từng trải chưa đủ.
Những người trẻ nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì rất cần được tạo điều kiện tham gia vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, để Ban chấp hành Trung ương mới có sức bật, sự năng động cần thiết, đồng thời giúp lãnh đạo trẻ trưởng thành, đảm nhận nhiệm vụ nặng nề hơn về sau.
Trong điều kiện Việt Nam, lứa tuổi 50-60 có độ chín, bề dày về kinh nghiệm ở các lĩnh vực công tác nên cần số lượng đông nhất.
Ngoài ra, do tiêu chuẩn quan trọng nhất của người lãnh đạo là khả năng, bản lĩnh xử lý những vấn đề tầm chiến lược, quan trọng của toàn Đảng, toàn quốc, nên những người cao tuổi đã được thử thách, rèn luyện, có kinh nghiệm công tác về nhiều mặt là vốn quý, nên có một tỷ lệ nhất định những người này trong hàng ngũ lãnh đạo, nhất là ở những vị trí cấp chiến lược, sẽ bảo đảm sự vững vàng của cơ quan lãnh đạo.
- Khi đề cập đến những người cao tuổi, ông muốn nói đến "trường hợp đặc biệt" trong công tác nhân sự?
- Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, đến nay, Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua danh sách giới thiệu để bầu ra các Ủy viên Trung ương; tiếp đó đã biểu quyết danh sách giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới; sắp tới sẽ xem xét nhân sự chủ chốt Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Trình tự như vậy là hợp lý vì có đủ tiêu chuẩn Trung ương thì mới có điều kiện cân nhắc vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có vào Bộ Chính trị thì mới tính đến chuyện đảm nhiệm cương vị chủ chốt. Trường hợp đặc biệt xem xét cuối cùng.
Trường hợp đặc biệt dành cho những người đã quá độ tuổi theo quy định, nhưng chưa tìm được người để thay thế tương xứng, hay tốt hơn. Đây phải là những nhân vật ưu tú, xuất sắc và còn đủ điều kiện để tiếp tục làm việc, đảm nhiệm những vị trí rất cần thiết mà Trung ương thấy nên đặc cách giới thiệu tái cử. Việc này Trung ương sẽ cân nhắc, quyết định nhân sự giới thiệu ra Đại hội. Tất nhiên, những trường hợp này không nhiều.
Tôi tán thành cách đặt vấn đề của Đảng về cơ cấu độ tuổi, tuy nhiên, tôi nghĩ những chức vụ chủ chốt nhất không nên quá câu nệ về tuổi tác. Thế giới có những lãnh đạo rất trẻ, nhưng đôi khi có lãnh đạo cao tuổi và nhiều trường hợp lại là những người lãnh đạo rất xuất sắc.
- Đội ngũ cán bộ của Việt Nam hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Cuối nhiệm kỳ khóa XI, tình hình đất nước ở trong tình trạng như tôi phân tích bên trên. Tình hình đó phản ánh chất lượng của đội ngũ cán bộ. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn lên, số lượng cán bộ đông lên, chất lượng cũng được nâng cao hơn, nhưng kinh tế vẫn có những cái thiếu bền vững, yếu kém, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có tiến bộ nhưng chưa thể đánh giá quá lạc quan.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong những yếu tố đó có một vài điểm cực kỳ quan trọng. Thứ nhất là phải có quy chế về lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ bài bản, nghiêm túc, tránh được những lỗ hổng. Nếu những thể chế, quy định về công tác cán bộ chặt chẽ, khoa học, sẽ góp phần quan trọng vào việc lựa chọn, sử dụng, phát triển được người tốt. Trong quy chế đó, phải căn cứ vào kết quả thực tế của công việc mà đánh giá con người và phải bảo đảm sự giám sát của luật pháp, của đảng viên và nhân dân đối với cán bộ.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục có đổi mới cần thiết trong việc sử dụng cán bộ. Lâu nay, thông thường, một người đã được bầu vào cấp ủy, nếu không vi phạm kỷ luật lớn hay sức khỏe không có vấn đề gì lớn là gần như đương nhiên được giữ chức vụ cho đến cuối nhiệm kỳ; rất khó thay đổi dù là không hoàn thành tốt nhiệm vụ, để cho đơn vị, địa phương trì trệ, lạc hậu.
Theo tôi, những trường hợp này cần phải được thay thế dễ dàng, nhanh chóng, ngay khi có biểu hiện rõ ràng là không đủ năng lực lãnh đạo. Cần có sự cạnh tranh lành mạnh, để người có tiềm năng, tố chất sớm được bắt tay đảm nhiệm vị trí có thể phát huy khả năng, sớm được trưởng thành. Những người không xứng đáng, làm trì trệ phong trào, thậm chí làm hư hỏng, đình đốn phong trào của địa phương, ngành, cả nước thì nên thay đổi sớm. Đấy cũng là một cách làm có thể giúp chúng ta có đội ngũ cán bộ trưởng thành nhanh hơn.
- Từ nay đến Đại hội XIII của Đảng thời gian không còn nhiều. Theo ông việc gì cần đặc biệt quan tâm?
- Từ nay đến Đại hội, chúng ta không được lơi là những nhiệm vụ thường xuyên của Đảng và đất nước. Trong những giờ phút như thế này mà chúng ta lơi lỏng thì có thể có những tình huống bất lợi cho Đảng và Nhà nước. Đại hội rất quan trọng nhưng phải bảo đảm mọi việc tiến hành bình thường, chặt chẽ, không tạo cơ hội nào cho kẻ xấu lợi dụng.
Thứ 2 là làm tất cả những gì cần thiết để Đại hội thành công. Đặc biệt là công tác chuẩn bị nhân sự, cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, cẩn thận đối với từng ứng viên, đảm bảo không bỏ sót người tài nhưng cũng không để người không đủ tư cách vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng khóa tới.