Cùng với nhóm nhà đầu tư, ông Phạm Văn Tam rót tiền vào hệ thống 5 trang trại trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng. Chuỗi trang trại được tổ chức theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không có nước thải, không có phế phẩm. Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận. Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp. Cỏ và rơm rạ cho bò ăn được thu gom từ người nông dân quanh vùng.
Vị doanh nhân cho hay, các trang trại đã hoàn tất quy trình nuôi bò lấy thịt và phân phối cấp 1, đang cung cấp ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày. Với khối lượng phân mỗi ngày hơn 400 tấn, doanh nghiệp chuẩn bị ra mắt phân bón hữu cơ dạng tơi và dạng viên nén ngay trong tháng 3 với thương hiệu Ba Con Bò. Bắt đầu hoàn toàn từ con số không, ông Tam kỳ vọng Ba Con Bò sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất 500% trong năm nay.
Chia sẻ lý do lấn sân mảng nông nghiệp, ông cho biết trong năm qua, khi hoạt động kinh doanh sản phẩm điện tử gặp nhiều thách thức cũng như trong bối cảnh dịch bệnh, đây là lúc ông nhìn nhận lại gốc rễ vấn đề liên quan thu nhập của người tiêu dùng. Trước đó, Asanzo được xem là nhà sản xuất phổ cập TV, điều hoà cho vùng nông thôn với mức giá rẻ chỉ từ vài ba triệu đồng.
"Khách hàng của tôi đa phần là người nông dân, họ được mùa, được giá, mới có thể tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Bao năm qua tôi sống nhờ họ với các sản phẩm điện tử vừa túi tiền, nay là lúc tôi tham gia giúp họ kiếm được tiền", ông Tam chia sẻ.
Ông nhấn mạnh 3 yếu tố hữu ích của mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Thứ nhất, nguyên liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi bò là cỏ, rơm rạ có sẵn trong vùng. Từ trước đến nay, rơm rạ sau khi gặt đều do người nông dân tự xử lý, đa số được đốt bỏ dẫn đến khói mù ô nhiễm môi trường. Nay chuỗi trang trại thu gom mua rơm rạ với giá tốt, hỗ trợ máy ép và vận chuyển tại chỗ. Việc phân bố 5 trang trại ở khoảng cách khá xa nhau tại 3 tỉnh giúp đảm bảo nguồn thức ăn đầu vào không bị thiếu hụt, bên cạnh tiết kiệm chi phí logistic.
Kế đến, sản phẩm phân hữu cơ Ba Con Bò được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, trải qua công thức phối trộn vi sinh độc quyền và dây chuyền công nghệ, đảm bảo chất lượng đồng nhất, tối ưu cho đất đai và cây trồng. Thông qua hệ thống đại lý ước tính lên đến 30.000 điểm bán hàng, sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người nông dân lẫn trồng hoa cây cảnh, cây ăn trái, cây lấy bóng mát của người thành thị.
Yếu tố thứ ba, với mô hình khép kín hoàn toàn từ nguyên liệu đầu vào là phế phẩm sau mỗi vụ thu hoạch cho đến nguyên liệu đầu ra, phân hữu cơ Ba Con Bò góp phần giải quyết bài toán chất thải trong ngành chăn nuôi - một trong những ngành được cho là có khả năng gây ô nhiễm ở mức cao trên thế giới. Phế thải từ chăn nuôi bò, sau khi trải qua quá trình xử lý, có thể trở thành phân bón là nguyên liệu đầu vào cho nuôi trồng. Với công nghệ đệm sinh học cho chuồng trại, trang trại không có nước thải, đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh.
"Nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam đã tồn tại hàng nghìn năm nay nhưng cách thức vẫn còn thô sơ, chưa bền vững. Hy vọng đây là mô hình giúp bà con thay đổi theo. Chúng tôi chưa biết được thành công đến đâu khi làm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng sẽ tiến tới mở rộng dần dần", ông Tam chia sẻ.
Trong năm 2022, ông chủ Asanzo dự định mở rộng trang trại về phía Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây nhằm tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu và tiềm năng thị trường.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp chứng kiến sự đổ bổ của các doanh nghiệp ngoài ngành. Trong số những ông lớn mới nhảy vào thị trường có thể kể đến Tập đoàn Hoà Phát mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, THACO chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào công ty nông nghiệp của bầu Đức, FLC sản xuất cây ăn trái, dược liệu...
Giới chuyên gia nhận định, doanh nghiệp ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp là dấu hiệu tích cực bởi doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn và nguồn vốn lớn, có khả năng đầu tư vào những công nghệ mới hướng tới nông nghiệp bền vững.
Vũ Khánh