Thông tin này được Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định tại đại hội cổ đông thường niên sáng nay (24/6).
Ông nhận được nhiều chia sẻ của cổ đông về tính khả thi của dự án xe điện. Một cổ đông dẫn số liệu cho thấy doanh số bán ra 45.000 xe máy điện là rất ít, theo quan điểm cổ đông. Nhưng ông Vượng thì có quan điểm ngược lại.
Thừa nhận "xe điện là thứ không dễ dàng" nhưng ông Vượng nói với các cổ đông rằng "đó là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình".
VinFast bản chất nhắm đến chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Ông Vượng cho biết, sẽ bán khoảng 15.000 xe và con số này thực tế đã bị "co lại" dưới tác động của cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu. Từ nay đến năm 2026, người đứng đầu Vingroup còn cho biết sẽ bán hàng trăm nghìn chiếc xe điện vào thị trường Mỹ.
"Chúng tôi tự tin với con số đó vì đây là cuộc cạnh tranh giữa xe điện với xe xăng chứ không phải xe điện với xe điện", ông Vượng lặp lại lần hai ý kiến.
Sự tự tin này được ông giải thích bằng quan điểm kinh doanh của VinFast và các lợi thế của xe điện.
Thứ nhất là ở việc cho thuê pin. Vingroup sở hữu pin thay vì người mua. Tiền thuê pin và nạp điện của xe sẽ bằng đúng chi phí khách hàng phải trả cho xăng. "Xe điện chạy đến đâu trả tiền đến đó", ông nói.
Thứ hai, xe điện có những lợi thế như rẻ hơn: chi phí vận hành, bảo dưỡng chỉ khoảng 30-50% so với xe xăng; thông minh hơn với các tính năng tự lái. Xe điện có nhược điểm quãng đường chạy không quá xa nhưng được khắc phục bằng công nghệ sạc siêu nhanh.
Bên cạnh đó, các chi phí từ pin đến bảo dưỡng đều do phía Vingroup chịu trách nhiệm... Với những yếu tố này, tập đoàn cho rằng khi cạnh tranh với xe xăng thì số lượng sẽ đơn giản.
Ví dụ tại thị trường Mỹ, xe điện chiếm khoảng 2% tổng số ôtô. Một năm Mỹ bán ra 16-18 triệu xe, nên nếu chỉ cần chiếm được 1% thì Vingroup sẽ bán được 160.000-180.000 xe.
Xe điện VinFast, theo ông Vượng, được thiết kế với tiêu chuẩn cao nhất là NCAP 5 sao, đồng thời có đầy đủ các tính năng mà Tesla có. Đến cuối năm 2022, xe VinFast sẽ có tính năng tự lái cấp độ 3.
Ngoài nói về VinFast, tại Đại hội cổ đông lần này, ông Phạm Nhật Vượng cũng chia sẻ thêm về kế hoạch với Vinbiocare, một công ty vốn 200 tỷ đồng do Vingroup lập đầu tháng này, hướng đến sản xuất công nghệ sinh học, các sản phẩm công nghệ.
Ông Vượng cho biết, Vinbiocare tạo ra môi trường, hệ sinh thái về công nghệ sinh học chứ không phải riêng vaccine. Tuy nhiên, trong giai đoạn Việt Nam chống Covid-19, Vinbiocare sẽ làm dự án vaccine phi lợi nhuận, không nhắm đến kinh doanh. Mọi chi phí sẽ cố gắng thu về nhưng nếu cần thiết sẽ tài trợ, hỗ trợ để dự án thành công.
"Thậm chí chúng ta có thể chấp nhận rủi ro ban đầu để có thể ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vaccine dù không chắc vaccine có thể thành công sau giai đoạn 3", ông nói. Vì nếu chờ đợi Việt Nam có thể mất lượt mua vaccine chứ chưa tính đến việc chuyển giao công nghệ.
Theo đó, tập đoàn sẽ tham gia cùng với các đối tác để thúc đẩy sản phẩm. Khi công nghệ, sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp sẽ tiến hành sản xuất, cung ứng ra thị trường.
Về bất động sản công nghiệp, Chủ tịch Vingroup cho biết sẽ tập trung mở rộng bất động sản công nghiệp ở nhiều nơi nhưng đang trong giai đoạn làm thủ tục nên chưa thể công bố cụ thể. Trước lo ngại về nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt, ông Vượng nói, thị trường vẫn thiếu hàng dù hàng trăm dự án được duyệt.
"Nguời nào làm được sản phẩm vẫn làm được và ngược lại. Do vậy chúng ta không phải cạnh tranh bằng câu chuyện có bao nhiêu dự án mà là dẫn các dự án đó đến kết quả cuối cùng", ông nhấn mạnh.
Đức Minh