Định hướng phát triển sản phẩm bất động sản là một trong những nội dung được cổ đông Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) quan tâm nhất tại cuộc họp thường niên, diễn ra ngày 26/4. Đây là lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, đóng góp chính cho kế hoạch doanh thu khoảng 80.000 tỷ đồng của doanh nghiệp trong năm nay.
Vốn có truyền thống phát triển các tổ hợp bất động sản trung - cao cấp, Vingroup nhận được một số thắc mắc của cổ đông khi công bố gần đây kế hoạch triển khai hệ thống các khu đô thị có giá bán rẻ hơn, mang tên VinCity. Không dưới 2 lần cổ đông đặt câu hỏi cho lãnh đạo doanh nghiệp tại đại hội về định vị cũng như kế hoạch triển khai các sản phẩm thuộc phân khúc này.
"VinCity không phải mô hình nhà giá rẻ. Đây là phân khúc hướng tới khách hàng có mức thu nhập trung bình cao", Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng nói và khẳng định việc phát triển phân khúc này nằm trong định hướng tương lai của tập đoàn.
Tại các dự án VinCity, ông Vượng khẳng định Vingroup sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn. "Có nhiều ý kiến cho rằng sẽ phát sinh cạnh tranh ngay trong các mô hình phát triển bất động sản của tập đoàn nhưng điều đó không đúng. Cơ sở hạ tầng và điều kiện sống ở đây sẽ không thua kém gì các dự án hiện tại của Vingroup. Cái khác chỉ là vị trí", ông nói.
Trước đó từ cuối năm 2016, doanh nghiệp này cho ra mắt dòng căn hộ hướng tới khách hàng đại chúng, với mức giá dự kiến từ 700 triệu đồng một căn. Thương hiệu VinCity dự kiến được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, dự án sẽ được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành, nhằm hình thành các khu đô thị vệ tinh.
Chia sẻ tại cuộc họp sáng 26/4, Chủ tịch Vingroup cho biết việc triển khai mô hình thành phố vệ tinh nêu trên sẽ giúp các đô thị lớn giải tỏa áp lực giao thông nội đô và nhu cầu về nhà ở. Lấy ví dụ dự án VinCity Gia Lâm (Hà Nội) với diện tích 300 ha và quy mô 100.000 dân, ông Vượng cho rằng hệ số sử dụng đất sẽ thấp hơn đáng kể so với các dự án bất động sản nội thành.
Nói thêm về ý kiến cho rằng các khu đô thị mọc lên ngày một nhiều đã gây áp lực lên hạ tầng tại các đô thị lớn, người đứng đầu Vingroup nhìn nhận vấn đề giao thông cần một lời giải tổng thể hơn là vấn đề dân số. "Hiện cư dân trong các đô thị mang thương hiệu VinHomes khoảng 70.000-80.000 người, thực tế chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng chục triệu dân cư tại các thành phố lớn", ông Vượng nói.
Theo đó, lãnh đạo Vingroup cho rằng cần giải quyết câu chuyện giao thông một cách toàn diện, từ không gian, điều phối đến xây dựng các thành phố vệ tinh hay quy hoạch hạ tầng...
Trao đổi về kế hoạch năm 2017, đại diện doanh nghiệp cho biết đã đặt mục tiêu tăng gần 40% doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế khoảng 3.000 tỷ đồng. Hiện Vingroup đang trong quá trình xây dựng nhiều dự án thuộc phân khúc cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Hải Phòng. Tỷ lệ lợi ích của tập đoàn tại các dự án này đạt từ 90 đến 100%.
Riêng 2 dự án lớn tại TP HCM là dự án Tân Cảng (Vinhomes Central Park) và Ba Son (Vinhomes Golden River), tỷ lệ lợi ích của Vingroup khoảng 40%. Theo người đứng đầu tập đoàn, 2 dự án này khi mua lại đã có sẵn chỉ tiêu quy hoạch, hiện đã bán được 90% căn hộ và khoảng 50% biệt thự, nhà liền kề.
Đánh giá về công tác quản trị, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng cho biết, 2017 sẽ là năm “cách mạng” của Vingroup. “Mở đầu sẽ là hạt nhân hoá, với mục tiêu lấy vai trò của cán bộ lãnh đạo và nhân viên làm trọng. Tiếp theo là chuẩn hóa, đơn giản hóa, tự động hóa và cuối cùng là mô hình kinh tế được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là chia sẻ hoá”, vị Chủ tịch cho biết.
Ông Vượng cũng nhận định việc xây dựng một cuộc cách mạng về quản trị sẽ giúp Vingroup phát huy được năng lực của mỗi cán bộ, công nhân viên tiến tới việc tinh gọn bộ máy quản lý hiện tại, đơn giản hóa quy trình và công tác tuyển dụng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Minh Sơn