Lần gặp ông năm ngoái, khi tham gia một sự kiện ở TP HCM, ông khiến tôi bất ngờ khi không chọn ly đen đá.
Vì là người nghiền cà phê, tôi nhớ ông Park cũng từng nghiện thức uống này. Trong một chương trình trên truyền hình Hàn Quốc, ông kể có thể uống 10 ly trong ngày diễn ra trận đấu.
Nhưng tại sự kiện năm ngoái, ông giải thích với tôi, từ khi sang Việt Nam làm việc, ông phải tập từ bỏ việc uống cà phê, chỉ tận hưởng hương vị của nó tỏa lên khi pha nóng. Mùi cà phê "giúp một người lớn tuổi như tôi giữ được tỉnh táo, sự tập trung", ông nói, nhưng uống cà phê "khiến ông dễ mất kiểm soát" vì vốn là người nóng tính.
Việc uống cà phê theo cách bình thường của nhiều người Việt Nam không có lợi cho sự nghiệp của ông. Park Hang-seo là người sống nguyên tắc, nóng tính. Ông dường như không thường xuyên kiểm soát cảm xúc. Ông Park đã ba lần mất việc tại Hàn Quốc chỉ vì tính nóng nảy của mình.
Với người hâm mộ Việt Nam, tính cách ấy chẳng cần phải mô tả thêm nhiều. Hôm nay, ông không thể chỉ đạo trận đấu của đội tuyển quốc gia với UAE do nhận hai thẻ vàng từ lỗi phản ứng trọng tài. Đây là lần thứ hai trong bốn năm ở Việt Nam ông bị tước quyền chỉ đạo.
Nhưng sự nóng nảy và nghiêm túc trong công việc cũng đi cùng với sự nồng nhiệt, chân thành. Trong mắt tôi, Park là dị nhân, nóng nhưng có nhiều khoảnh khắc rất hiền. Hình ảnh ông lao xuống sân bóng, tự tay đưa Đỗ Hùng Dũng lên xe cứu thương khi cầu thủ này bị gãy chân tại V-League giống như tình cảm của người cha với đứa con.
Ông cũng chẳng ngần ngại khi thể hiện sự "cưng chiều" với một vài cầu thủ đến từ HAGL trên đội tuyển quốc gia cả khi điều đó có thể khiến ông bị xem là thiên vị với "quân bầu Đức". Đội ngũ trợ lý của Park Hang-seo đông đảo nhất từ trước đến nay, nhưng trên sân tập, có khi người ta thấy ông Park đi nhặt từng chai nước, chiếc áo bib một cách bình dị, cũng như cách mà ông thay thế tài xế taxi mở cửa cho vợ mình khi đưa bà mua sắm tại siêu thị.
Đến Việt Nam ở tuổi 60, ông may mắn có trong tay đội ngũ đã được nhiều người tiền nhiệm và các chuyên gia tập hợp, dựa trên lứa cầu thủ tài hoa được đào tạo và sàng lọc bài bản trong giai đoạn 2004-2007.
Trong số hơn 40 cầu thủ được bộ phận chuyên môn của VFF chuyển giao cho ông Park, đến nay, gần 30 người vẫn được trọng dụng. Đây là cái may của nhà cầm quân người Hàn. Ông không phải là mẫu huấn luyện viên chuyên phát hiện gương mặt mới. Nhưng ông là bậc thầy của cái gọi là hệ thống phát triển con người, một yếu tố mang tính chiến lược đối với các tổ chức, doanh nghiệp có tham vọng phát triển.
Bạn tôi, chủ doanh nghiệp sản xuất sơn, một "fan bự" của Park Hang-seo, nhờ tôi một việc: tổng hợp tất cả các bài viết về quãng thời gian của ông Park tại Việt Nam và biên tập thành dạng tài liệu nội bộ cho công ty anh ấy. "Cách ông Park làm với bóng đá Việt Nam là mô hình quản trị nhân sự tuyệt vời cho các doanh nghiệp kiểu như tôi", anh giải thích.
Anh là dân kiến trúc, chuyển sang kinh doanh ngành sơn rồi mở nhà máy sản xuất mà không qua trường lớp về quản trị doanh nghiệp. Công ty anh lớn mạnh nhờ một đội ngũ gắn bó từ những ngày cùng rong ruổi ôm hàng đi bán khi chỉ là cái nhà kho.
Hơn ai hết, anh hiểu giá trị của cách đối nhân, sử dụng con người. Sự trung thành, nhất quán giữa mọi cá nhân trong một đội được xem là tài sản ròng. Và đó là lý do anh muốn nghiên cứu sâu về cách dùng người của Park Hang-seo.
Trong bóng đá, mỗi huấn luyện viên đều có ê kíp riêng của mình. Thời nào cũng vậy, từ Alfred Riedl cho đến Calisto đều có sẵn trong đầu 20-30 cầu thủ ưa thích, quen dùng.
Nhưng có trong tay tập thể tốt là một chuyện. Biến tập thể ấy thành một đội xuất sắc là chuyện khác. Cũng những con người ấy, không phải nhà cầm quân nào cũng xây dựng nên bầu không khí gia đình, xem nhau như anh em, xóa đi tính vùng miền, sự đố kị, và đưa họ lên một tầm vóc mà bản thân họ thậm chí còn không biết mình có thể.
"Bám sát" ông Park ở góc độ con người những năm qua, tôi nhận thấy, ông tinh tường, biết nhìn người, biết cách tạo ra chất keo kết dính những cá nhân cùng đội ngũ. Có lẽ vì thái độ chuyên nghiệp, giản dị mà ông có được sự phục tùng của cầu thủ cũng như cộng sự.
Gần đây nhất, ông lên Gia Lai xem trận HAGL đá với Hà Nội FC. Trận đấu kết thúc, ông tất tả xuống sân để tìm bầu Đức. Cả sân bóng đang ngập tràn không khí chúc tụng, không ai để ý đến ông Park cố bám sau lưng bầu Đức, người đang xuống sân để úy lạo các cầu thủ và chỉ đạo ban tổ chức. Bầu Đức cũng không để ý đến Park Hang-seo. Nhà cầm quân số một Việt Nam khiêm tốn khép tay đứng yên một chỗ, đợi đến khi bầu Đức quay lại chỉ để chào một tiếng rồi ra về.
Với tôi, hành động đó có thể giải thích phần nào về con người Park Hang-seo. Trước sau như một với người cộng sự, người đã tin vào ông dù đôi bên chỉ giao tiếp ngắn ngủi trước khi ký hợp đồng đưa ông về Việt Nam. Cách ông xây dựng đội tuyển cũng vậy. Ông trân trọng họ theo cách của người cùng nhà, tin họ khiến họ không thể không cải thiện bản thân để đáp lại.
Nó là một thứ nguyên tắc: Không tin thì đừng dùng, đã dùng thì phải tin, đã tin phải nhìn vào điểm tốt của người, bỏ qua chuyện nhỏ vì việc lớn.
Cách cư xử đó khiến giới quan sát phải ngả mũ khi ông gọi Nguyễn Trọng Hoàng sang Thái Lan đá giải Tứ hùng năm 2019 dù suốt một năm cầu thủ này không ra sân vì án phạt. Ông không gọi Trọng Hoàng lên chỉ để làm công tác tinh thần, mà đưa ra sân, đá chính, bất chấp mọi nghi ngờ.
Ông cũng tin vào Nguyễn Anh Đức ở giải đấu đó, dù cầu thủ này tuyên bố giải nghệ chỉ trước đó vài tháng. Cũng với niềm tin tương tự, ông trao cho Tuấn Anh một đặc quyền ở vị trí giữa sân bất chấp tiền sử chấn thương của cầu thủ. Ông cũng sẵn sàng đối đầu với dư luận để chọn Đoàn Văn Hậu, người bị chấn thương và không thi đấu hơn nửa năm trời. Trước đó, Hậu từng làm ông tức giận khi sang Hà Lan mà không báo với ông.
Và chiến thắng trước Malaysia mới đây, với những pha xuất thần cứu thua của thủ môn Tấn Trường, là ví dụ sống động nhất cho cách dùng người mang tên Park Hang-seo.
Hôm nay có lẽ là ngày đặc biệt nhất với cá nhân ông Park kể từ khi sang Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam gần như đã có suất vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng về lý thuyết, 90 phút trên sân sẽ là trận cầu lớn nhất lịch sử bóng đá Việt. Học trò của ông Park sẽ làm điều đó mà không có ông thầy ngoài đường biên.
Khung cảnh đêm nay, khi ông Park một mình ngồi trên khán đài sân Zabeel nhìn những cầu thủ đã đi cùng mình suốt bốn năm qua bảo ban nhau thi đấu nhắc nhở chúng ta về giá trị của niềm tin giữa người với người.
Vì đã được tin, người ta không thể không nỗ lực để đáp lại lòng tin ấy.
Việt Tâm