Cựu tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu và trả lời phỏng vấn tại một hội nghị về y tế do tập đoàn tài chính Cantor Fitzgerald tổ chức vào ngày 25/9. Tại lần xuất hiện này, ông Obama sẽ được trả khoảng 400.000 USD, tương đương với gần một năm lương của tổng thống, để nói về cải cách luật chăm sóc y tế năm 2010, hay còn được biết với tên gọi Obamacare, AFP dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.
Vào tháng 8, ông Obama cũng đã có cuộc nói chuyện tại New York với các khách hàng "máu mặt" của tập đoàn tài chính Northern Trust, bao gồm thị trưởng thành phố New York Micheal Bloomberg, cố vấn cấp cao về an ninh mạng của Microsoft và tổng giám đốc của IBM điều hành mảng công nghệ blockchain. Theo hãng tin Bloomberg, khoản thù lao mà tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nhận được cho cuộc nói chuyện này là 400.000 USD đồng thời cho biết trong tháng 9, ông Obama cũng có một bài phát biểu tại trụ sở của ngân hàng đầu tư Carlyle Group.
Đại diện của Carlyle Group và Northern Trust đều từ chối bình luận về thông tin liên quan đến việc cựu tổng thống Obama xuất hiện ở các sự kiện do hai tập đoàn này tổ chức.
"Kể từ khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama đã dành thời gian dự các sự kiện cộng đồng lẫn các sự kiện tư nhân, được trả thù lao lẫn không được trả thù lao. Tất cả những sự kiện này đều theo sát những giá trị và kinh nghiệm của ông", Kevin Lewis, người phát ngôn của ông Obama, cho biết. Lewis giải thích thêm rằng nguồn thu nhập từ các bài phát biểu "đã cho phép Tổng thống Obama đóng góp hai triệu USD vào các chương trình của Chicago liên quan đến đào tạo nghề và tạo các cơ hội việc làm cho thanh niên tầng lớp thu nhập thấp".
Tuy nhiên, việc ông Obama ngày càng trở thành gương mặt quen thuộc với giới tài chính Phố Wall làm dấy lên chỉ trích từ dư luận giống như công chúng từng lên án bà Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái vì những bài phát biểu được trả thù lao của bà tại các ngân hàng đầu tư.
Tác giả chắp bút hai cuốn hồi ký của ông Obama và Bill Clinton, David Maraniss, cho rằng Tổng thống thứ 44 của Mỹ "không cần số tiền đó và không nên nhận số tiền đó".
Bênh vực cựu tổng thống trước các chỉ trích, chuyên gia kinh tế Randy Albelda tại trường đại học Massachusetts Boston cho rằng do ông Obama đã rời nhiệm sở và trong tương lai nhiều khả năng ông cũng không chạy đua vào các chức vụ trong chính quyền, việc ông kiếm từ các buổi nói chuyện với các tập đoàn tài chính sẽ không ảnh hưởng tới các quyết định liên quan đến chính sách hiện tại lẫn tương lai.
Ông Obama không phải là chính khách duy nhất được trả thù lao "khủng" cho các bài diễn thuyết sau khi về hưu. Trước đó, cựu thủ tướng Anh Tony Blair và cựu tổng thống Bill Clinton cũng nổi tiếng với các bài phát biểu và nói chuyện được trả thù lao.
An Hồng