- Ông nghĩ thế nào về việc Thanh Hóa đơn phương xin dừng rồi trở lại thi đấu ở V-League 2020?
- Suy nghĩ đầu tiên của tôi là có những CLB đang xem V-League như một trò đùa. Mọi thứ cứ thế lộn nhào, ai muốn làm gì cũng được. Đội nào thích thì đá, không thích thì nghỉ. Nếu Thanh Hóa gặp vấn đề gì đó không đừng được, chẳng hạn cầu thủ bị bệnh hoặc bị cách ly trong đợt Covid-19, thì chúng ta có thể thông cảm. Nhưng ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh ấy, họ cũng phải thể hiện quyết tâm cố gắng cứu chữa, chứ không phải hở ra là đòi nghỉ. Tổ chức của một đội bóng không lẽ lỏng lẻo như thế?
Điều thứ hai tôi nghĩ tới là uy tín của VFF và VPF. Cách hành xử như của Thanh Hóa khiến người hâm mộ dễ dàng đặt câu hỏi liệu hai tổ chức quản lý bóng đá lớn nhất Việt Nam có thực quyền không? Nếu có, đời nào các CLB dám hành xử như vậy. Họ phải làm sao để từng thành viên trong đó thấy vinh dự và trách nhiệm khi được là một phần trong đó.
Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp khác, thậm chí tại Serie A hoặc Ngoại hạng Anh gần đây, không thiếu những vấn đề tương tự Việt Nam. Từ nghi án trọng tài, cho đến lịch thi đấu, cơ cấu tổ chức... Cũng có những ông chủ CLB trong lúc nóng giận nói rằng có thể sẽ cân nhắc khả năng bỏ giải. Tuy nhiên nói là thế, chứ đẩy vấn đề lên bằng văn bản lại là chuyện hoàn toàn khác.
- Vậy theo ông, VFF hoặc cụ thể hơn là VPF nên làm gì?
- Một ngày sau khi dọa bỏ giải, bầu Đệ nói rằng Thanh Hóa sẽ thi đấu trở lại do được hứa hẹn giúp đỡ về tài chính. Nếu đúng như thế, tại sao hai tổ chức này không thông báo sớm hơn, không chủ động tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến và đưa ra giải pháp phù hợp với lợi ích các bên mà phải đợi đến khi có các phản ứng mới hành động?
Có thể VPF còn chờ động thái của chính quyền, bởi họ cũng không lường trước được các diễn biến của đại dịch. Nhưng động thái thỏa hiệp theo tôi là vừa buồn vừa cười. Năm 2013, Sài Gòn Xuân Thành bỏ V-League. Một năm sau tới lượt Ninh Bình. Tuy nhiên, giải đấu vẫn tiến hành bình thường. "Vắng mợ thì chợ vẫn đông", trong vai trò của các nhà tổ chức, cái gì đúng luật thì cứ thế mà làm. Bao nhiêu chương mục, điều lệ để đâu? Án lệ cũng có rồi. Không thể vì ý chí của một người hoặc một nhóm người mà làm ảnh hưởng tới đà phát triển chung của bóng đá nước nhà.
- Trên thực tế từ năm 2010, khi sáp nhập với đội một Viettel, Thanh Hóa đã vài lần dọa xin rút khỏi V-League. Theo ông, đó là trùng hợp hay là những tính toán có chủ đích?
- Là người từng làm nghề và có thời gian tiếp xúc với CLB Thanh Hóa nói riêng và bóng đá Thanh Hóa nói chung, tôi tin rằng chính quyền và người dân Thanh Hóa không đời nào để đội bóng của họ rút khỏi giải. Kể cả khi lãnh đạo đội bóng, đứng đầu là anh Đệ không rút lại quyết định, chưa chắc Thanh Hóa đã bỏ V-League.
Lật lại lịch sử, có thể thấy vai trò lớn của tỉnh ủy Thanh Hóa trong việc định hướng, xây dựng và giữ gìn hình ảnh cho CLB. Tháng 9/2009, họ đồng ý tiếp nhận đội một Viettel (tiền thân của Thanh Hóa hiện nay). Đến cuối năm ấy, họ đổi tên CLB thành Lam Sơn Thanh Hóa, rồi sáp nhập CLB bóng đá Thanh Hóa, vốn do tỉnh quản lý, vào làm một. Từ năm 2010, CLB Thanh Hóa thay tên đổi chủ vài lần, nhưng mỗi khi gặp khó khăn, đội đều được lãnh đạo tỉnh đỡ đầu. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, ngoài truyền cảm hứng cho công chúng, còn mang tính chính trị, văn hóa nữa.
Trong công văn gửi VFF, CLB Thanh Hóa viện lý do thiếu hụt tài chính trong đợt Covid-19 và đề nghị được trợ giúp. Như vậy, xin dừng giải có thể hiểu là cách để họ xin thêm kinh phí. Anh Đệ là doanh nhân, giỏi tính toán và quan hệ rộng. Tôi để ý, từ xưa anh ấy đã nhiều lần phát ngôn gây sốc như vậy, cũng đôi ba lần dọa bỏ giải. Với đa số mọi người, một đội bỏ giải giữa chừng là điều khó hiểu. Nhưng đúng với đa số chưa chắc đúng với tất cả. Có những người làm bóng đá không đơn thuần chỉ vì đam mê.
Thắng Nguyễn