Nhằm liên kết các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển ngành và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, Ban chấp hành và ban lãnh đạo của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) được trẻ hóa với sự tham gia của các doanh nhân trẻ đang dẫn dắt các doanh nghiệp CNTT- TT hàng đầu Việt Nam.
Tại Đại hội VINASA lần thứ V nhiệm kỳ 2021 - 2025 diễn ra ngày 19/3 ở Hà Nội, Hiệp hội đã công bố ông Nguyễn Văn Khoa, CEO sinh năm 1977 của FPT, là tân Chủ tịch cùng với 8 Phó chủ tịch.
Danh sách 8 Phó chủ tịch của VINASA
"Với sự chuyển giao thế hệ tại Đại hội lần này, bằng các công cụ CNTT, Ban Chấp hành mới của VINASA cần đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ quy tụ những trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, tham gia tư vấn hoạch định chính sách cho chính phủ trong thời kỳ mới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại sự kiện.
Nhắc lại vai trò, sứ mệnh tiên phong đổi mới của ngành Bưu điện 30 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là thời điểm ngành CNTT được trao lại sứ mệnh tiên phong đổi mới để nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, VINASA, cộng đồng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT nhận trọng trách thúc đẩy chuyển đổi số với tư duy mới, cách làm mới. Bên cạnh việc hướng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp thành viên cần có các giải pháp thiết thực, dễ sử dụng, hướng đến số đông để giải những bài toán tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đem lại tác động, thay đổi tích cực trong xã hội.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam "đã lớn mạnh".
"Cách đây 20 năm, VINASA được thành lập với sứ mệnh xây dựng và kiến tạo nền công nghiệp mới của quốc gia. VINASA đã phát triển, đã gắn liền với một chặng đường phát triển của đất nước, đã trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp vững mạnh với hơn 400 doanh nghiệp thành viên", Bộ trưởng chia sẻ. "Ngày ấy, Chủ tịch Trương Gia Bình 45 tuổi. Và ngày hôm nay sẽ có một người mới 45 tuổi nhận ngọn cờ từ tay ông Bình để đi tiếp. Ngọn cờ ấy không thay đổi, đó là khát vọng hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ, là khát vọng chinh phục thế giới bằng công nghệ, là tinh thần tiên phong đi đầu. Nhưng sẽ là sứ mệnh mới, sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia, sứ mệnh Make in Vietnam, sứ mệnh biến Việt Nam thành quốc gia số...".
Trên cương vị mới, tân Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Khoa cam kết tiên phong trong hợp tác - đổi mới - sáng tạo, kế thừa một cách tốt nhất những thành tựu và tâm huyết mà Hội đồng sáng lập cũng như nhiệm kỳ trước đã gây dựng và truyền lại.
"Bộ trưởng nói đến việc các doanh nghiệp công nghệ phải có giấc mơ lớn hơn nữa, khát vọng lớn hơn nữa. Đó cũng là điều mà Ban chấp hành mới của nhiệm kỳ này hướng tới. Đó là giấc mơ tô đậm tên Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới, lấy phụng sự Tổ quốc làm ngọn cờ cho VINASA bước tới trong những chặng đường tiếp theo", ông Khoa nhấn mạnh.
Nhiệm kỳ V (2021 - 2025) diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến lớn do Covid-19. Cùng với đó, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu toàn cầu. Tất cả các quốc gia, nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực đều đang phải nhanh chóng chuyển đổi, thay đổi liên tục để tồn tại, thích ứng và phát triển.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2002, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) quy tụ 438 đơn vị hội viên là các doanh nghiệp trong ngành, chiếm 60% nhân lực và 70% năng lực sản xuất của ngành phần mềm Việt Nam.
Trong bốn nhiệm kỳ trước, ông Trương Gia Bình luôn giữ vị trí Chủ tịch VINASA. Trải qua gần 20 năm, đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT lớn mạnh cả về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ và về quản trị doanh nghiệp. Số lượng những công ty lớn với quy mô trên dưới 1.000 lao động đã được bổ sung nhiều tên tuổi mới. Bên cạnh FPT, MISA, CMC, TMA... là RikkeiSoft, KMS, GMO-Z.com Runsystem... và một lượng lớn các doanh nghiệp ở ngưỡng 500 - 900 lao động như VMG, Luvina, Fujinet, NTQ, VTI...
So với 5 năm trước, nhiều doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng, đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới, nhất là trong xu thế công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động.
Ngành công nghiệp ICT Việt Nam hiện đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Năm 2020, doanh thu của ngành ước tính đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt trên 6 tỷ USD, cao gấp đôi so với doanh thu năm 2015 (3 tỷ USD). Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 đến 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 - 95%.