![]() |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. |
Tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh xin được miễn nhiệm chức chủ tịch do nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị sau khi tham khảo kết quả thăm dò Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đề cử ông Nguyễn Văn An vào chức danh này. Kết quả thảo luận nhân sự ở tổ, các đại biểu có đề cử Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang, Thủ tướng Phan Văn Khải, tuy nhiên các ông này đã có văn bản xin rút khỏi danh sách đề cử.
Sau khi thắng cử chức Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn An đã được Quốc hội phê chuẩn làm thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Công việc của tân Chủ tịch Quốc hội
Ông Nguyễn Văn An, ứng cử viên duy nhất, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang có chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 theo hướng kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi sẽ tăng số đại biểu chuyên trách, bổ sung những người có năng lực vào các ủy ban của Quốc hội. Mục đích là thực hiện tốt chức năng làm luật của cơ quan quyền lực: chất lượng làm luật cao, cơ bản thể chế hóa những yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn mà tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phải gánh vác là tiến hành đổi mới bộ máy nhà nước thông qua Hiến pháp và pháp luật, trong điều kiện mà như lời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, là phải “thanh toán được tàn dư của chế độ hành chính tập trung quan liêu bao cấp còn lại trong hoạt động của xã hội, biểu hiện trực tiếp là trong bộ máy nhà nước”. Trong 5 chương đầu của Hiến pháp 1992, những “tàn dư” này được thể hiện ở một loạt các cụm từ “Nhà nước xây dựng”, “Nhà nước thực hiện”, “Nhà nước phát triển”, “Nhà nước thống nhất quản lý”... Nhà nước đóng vai trò bảo trợ, bao sân những việc mà bản thân cơ chế tự điều chỉnh của xã hội có thể đảm bảo được.
Tới đây, trong quá trình sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, việc sắp xếp lại tổ chức, hoạt động, mối quan hệ giữa HĐND và UBND sẽ được tiến hành. Mục đích là các tổ chức này phải gắn liền với hoạt động, với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, để tránh tình trạng hoạt động hình thức, kém hiệu quả. Sửa đổi thực chất vào các điểm: cơ chế tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ, đặc biệt với hai cấp chính quyền là tỉnh, xã.
Bài toán khó là nỗ lực cải cách bộ máy nhà nước được thực hiện trong khi vẫn còn tiềm ẩn phát sinh mâu thuẫn giữa cơ quan Đảng và chính quyền, bắt nguồn từ sự thiếu rõ ràng giữa chức năng lãnh đạo của Đảng với hoạt động điều hành bộ máy nhà nước. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với phát huy dân chủ, thể chế hóa quyền làm chủ của dân, quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức.
Chủ tịch Nguyễn Văn An kế thừa bộ máy Quốc hội Việt Nam, vốn có tiến bộ đáng kể so với các Quốc hội khóa trước. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nông Đức Mạnh, Quốc hội khóa X đã có những đổi mới được nhân dân thừa nhận. Đó là mạnh dạn thực hiện quyền giám sát hiến định của Quốc hội thông qua chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Thời gian chất vấn được kéo dài từ một ngày lên hai, bây giờ là ba ngày. Việc truyền hình trực tiếp đã đưa không khí chất vấn vượt ra ngoài Hội trường Ba Đình (bắt đầu vào kỳ họp 5 Quốc hội khóa X). Điểm mới trong kỳ họp này là Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ra chất vấn trước Quốc hội, mặc dù không có đại biểu nào nêu câu hỏi. Hoạt động chất vấn như vậy đang được các đại biểu và đông đảo cử tri mong muốn đẩy mạnh.
Miễn nhiệm và bổ nhiệm mới hai bộ trưởng
Cùng buổi sáng nay, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Phan Văn Khải, miễn nhiệm chức Bộ trưởng VH-TT Nguyễn Khoa Điềm (ông Điềm vừa được giao nhiệm vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng). Cũng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã bổ nhiệm ông Phạm Văn Nghị làm Bộ trưởng VH-TT. Ông Phạm Văn Nghị sinh năm 1949, quê Thanh Hóa, Tiến sĩ Triết học, biết tiếng Nga, Anh. Ông từng là cán bộ Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, nguyên phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Về trường hợp ông Hà Quang Dự, Thủ tướng Chính phủ đã có tờ trình ngày 18/5 đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban TDTT của ông Dự. Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết phê chuẩn đề nghị này. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có quyết định ngày 25/5 miễn nhiệm chức bộ trưởng của ông Hà Quang Dự vì những vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ và công tác quản lý. Hiện ông Dự đang bị một nhà thầu trong dự án xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia tố cáo đã báo cáo sai sự thật với Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã bổ nhiệm ông Nguyễn Danh Thái, hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT giữ chức Chủ nhiệm, thay ông Hà Quang Dự. Ông Nguyễn Danh Thái sinh 1950, quê Bắc Ninh, là Nhà giáo Ưu tú, PGS - TS chuyên ngành Khoa học giáo dục, biết tiếng Nga, tiếng Triều Tiên. Ông đã tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao ở Triều Tiên, từng tham gia giảng dạy ở Đại học Thể dục Thể thao I, giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT từ tháng 3/2000 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là Bí thư Ban cán sự Đảng Ủy ban TDTT.
Bức tượng vị chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Việt Nam
Ngay sau khi Quốc hội tiến hành bầu chủ tịch mới, Hội Sử học Việt Nam đã tặng Nhà lưu niệm Quốc hội bức tượng nhà cách mạng Nguyễn Văn Tố. Ông sinh năm 1889, hy sinh năm 1947, là nhà sử học, hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Việt Nam (1938-1945), được bầu làm trưởng Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam khóa I, năm 1946 (tương đương chức chủ tịch).
Tham dự buổi lễ có tân Chủ tịch Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, nghệ sĩ tạo hình Tạ Duy Đóa (tác giả bức tượng đồng), cụ Nguyễn Văn Dung, cựu hội viên Hội Truyền bá quốc ngữ.
Tiểu sử ông Nguyễn Văn An
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sinh ngày 1/10/1937 tại Mỹ Tân, ngoại thành Nam Định, tỉnh Nam Định.
1954-1960: Công nhân điện Nhà máy Điện Hà Nội. Phó bí thư Đoàn thanh niên Lao động Nhà máy Điện Hà Nội.
1961-1967: Đi học thoát ly 2 năm trong nước, 5 năm tại Liên Xô, Chi ủy viên Chi bộ lưu học sinh thành phố.
1967-1969: Về nước công tác ở Công trường 8438 thuộc Công ty Điện lực Hà Nội.
1970-1972: Công tác ở Sở Điện III (Nam Định). Bí thư chi bộ. Đảng ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Đảng ủy.
1972-1973: Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện Nam Hà, tỉnh Ủy viên dự khuyết.
1974-1976: Đi học trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương khóa 7, chương trình lý luận cao cấp, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn.
8/1976-1980: Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh, phụ trách công nghiệp, sau làm Bí thư Thành ủy Nam Định.
Tháng 11/1980: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh.
Tháng 4/1981: Được bầu đại biểu Quốc hội khoá VII, Ủy viên Ủy ban Kinh tế kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3/1982): Được bầu ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986): Được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh. Tháng 9/1987 làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.
7/1996: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII được bầu vào Ban Chấp hành TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
4/2001: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, được bầu vào Ban Chấp hành TƯ, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X, được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN.
Nghĩa Nhân