- Giá dầu liên tục giảm và xuống dưới mức 50 USD một thùng tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam, thưa ông?
- Việt Nam có khoảng 30-40% ngân sách đóng góp từ dầu khí. Phần ngân sách ấy sẽ chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng giá dầu. Đấy là hệ quả trực tiếp.
Còn ảnh hưởng gián tiếp thì có lợi, vì giá dầu giảm khiến chi phí công nghiệp giảm theo. Có điều Việt Nam dùng xăng dầu để đi, để chạy là nhiều chứ ít dùng cho công nghiệp, vốn rất nhỏ bé. Do đó, giá dầu giảm thì thế giới có thể cân bằng lại bằng công nghiệp, chứ Việt Nam thì không. Đó chính là một trong những khuyết tật của nền kinh tế mà khủng hoảng giá dầu có thể phơi bày.
- Tại sao ông lại gọi đó là khuyết tật của nền kinh tế?
- Quan điểm xây dựng kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi một số quan điểm. Thứ nhất, xem khai thác tài nguyên, buôn bán và xuất khẩu tài nguyên như là một trong các mũi chính của nền kinh tế. Quan điểm này chịu ảnh hưởng bởi Liên Xô, rồi Nga sau này.
Thứ hai là khuynh hướng tài chính hóa nền kinh tế, xâm nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay. Chúng ta đã bỏ qua một loạt bước trung gian để hợp tác ngay với khu vực hiện đại nhất của nền kinh tế thế giới là Mỹ trong việc tài chính hóa nền kinh tế. Sự hiện đại thái quá, nhanh quá của khu vực này là một trong các nguy cơ cơ bản mà thế giới tạo ra, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Như vậy, đây là một nền kinh tế tài chính xét theo quan điểm phương Tây và là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên xét theo quan điểm Xô Viết trước đây. Tức là Việt Nam học cả Tây lẫn Đông ở những khuyết tật lớn nhất của nó. Tôi thấy Trung Quốc có phần cân bằng hơn trong việc tổ chức ra nền kinh tế. Không phải họ thông minh hơn, nhưng họ buộc phải tìm kiếm công ăn việc làm cho hơn một tỷ dân. Do đó, Trung Quốc vô tình không phạm phải tính cực đoan của hai loại quan điểm nêu trên.
- Vậy kinh tế Việt Nam cần làm gì để khắc phục những khuyết tật ấy?
- Phải có một cái sườn tư tưởng kinh tế của người Việt. Người Việt là một dân tộc đông thứ 13 trên thế giới. Đông dân thì vấn đề chính trị cơ bản của các chiến lược kinh tế chính là công ăn việc làm. Địa vị quan trọng của công ăn việc làm tạo ra nền nông nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu thay đổi từ cơ cấu nông nghiệp đến công nghiệp thì phải có những loại hình công nghiệp tạo ra công ăn việc làm phù hợp với những người lao động chuyển đổi như vậy.
Việt Nam chưa xây dựng chiến lược công nghiệp mà đã bước ngay vào “tài chính hóa nền kinh tế”, tức là từ thể rắn, không qua thể lỏng mà chuyển thẳng đến thể khí, tức là bong bóng.
Như vậy, Việt Nam buộc phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, chứ không phải chỉ một vài nơi như đang làm ở khu vực Nhà nước. Tất nhiên đó phải là nơi được làm đầu tiên. Nếu không cổ phần hóa, không tư nhân hóa để giảm bớt khu vực Nhà nước thì không có không gian cho các khu vực, thành phần khác. Khu vực vừa và nhỏ và tư nhân sẽ là nơi đảm bảo công ăn việc làm, góp phần ổn định chính trị.
Rõ ràng việc không có một hệ thống tư tưởng kinh tế phù hợp, Việt Nam khó ra khỏi khó khăn. Cần ý thức rõ mình là một nước nông nghiệp, trong giai đoạn quá độ thì phải đưa người lao động từ nông thôn ra thành thị công nghiệp bằng cách nào. Nếu từ chối nó, nhảy cóc để kiếm lời và chứng khoán hóa tất cả các thứ ấy thì nền kinh tế sẽ không thật, không thực chất.
- Ông có nhắc đến mối quan hệ giữa kinh tế Nga và Việt Nam. Vậy khi giá dầu giảm, kinh tế Nga đi xuống, Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào?
- Tài sản của các tỷ phú Nga, doanh nghiệp Nga mất đi rất nhiều nên năng lực đầu tư vào các dự án cũng giảm đi. Xét về mặt vĩ mô, thế giới mất tiền thì người lao động Việt Nam cũng mất tiền. Cho nên cơ quan quản lý cần nghiên cứu rất kỹ về các cuộc khủng hoảng trên thế giới, nghiên cứu về diễn biến của thị trường lao động Việt Nam, các dự án công nghiệp dưới tác động của thế giới... Đây chính là kinh nghiệm quản lý kinh tế trong thời đại hội nhập.
- Diễn biến giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều. Một số dự báo còn nhận định dầu thô có thể về 20 USD một thùng. Ông nghĩ sao về kịch bản này?
- Giá dầu giảm là một quá trình không tự nhiên, hay nói cách khác là đi xuống có định hướng chính trị. Hiện nay giá dầu đã giảm hơn một nửa. Mọi chuyện đều có thể diễn ra. Giới hạn cụ thể thế nào thì chưa thể nói được, nhưng là nhà chuyên môn trong việc nghiên cứu các kết luận có tính chất kinh tế học, tôi nói rằng mọi cái đều có giới hạn.
Giới hạn đó sẽ là giới hạn của chi phí tạo ra một đơn vị sản phẩm. Xuống dưới mức ấy quá xa thì người ta buộc phải giảm sản lượng để nâng giá lên. Để cho giá dầu xuống dưới mức giá xuất xưởng thì chỉ có một yếu tố làm được, đó là chính trị. Vấn đề cần nghiên cứu xem ai là tác giả chính trị của giá dầu dưới 20 USD một thùng và ai là đối tượng phải chịu tai họa ở mức giá đó.
Ông Nguyễn Trần Bạt là chuyên gia kinh tế, luật sư, nhà nghiên cứu chính trị. Ông hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (Investconsult Group) - một trong bốn công ty tư vấn đầu tiên được Chính phủ cấp phép hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài từ năm 1989. |
Chí Hiếu