Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát năm 2018.
Tại tổ TP HCM, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho hay sẽ kiến nghị để có nghị quyết của Quốc hội về các chính sách, cơ chế đặc thù cho TP HCM phát triển.
"Nguyên tắc là tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho thành phố, làm thế nào phát huy tốt tất cả tài nguyên trên địa bàn để phục vụ phát triển, từ nguồn lực con người cho đến đất đai, hạ tầng...; tăng trách nhiệm và đóng góp của thành phố cho phát triển vùng, khu vực và tăng đóng góp ngân sách cho Trung ương", ông Nhân nói.
“Chính sách thì đặc thù nhưng về tổng thể sẽ góp phần phát triển tốt hơn cho đất nước, cho thành phố”, Bí thư Thành uỷ khẳng định.
Đại biểu Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM cho rằng, để nâng thứ hạng của quốc gia thì đất nước cần có 2-3 trung tâm kinh tế, tài chính đúng nghĩa.
"Gần đây tháng 4/2017, Chính phủ ban hành nghị định 48 về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với TP HCM, tuy nhiên nghiên cứu kỹ thì thấy chưa thể tạo đột phá cho thành phố", ông Quốc nói và nêu ví dụ, nghị định 48 quy định mức trần huy động vốn cho TP HCM là 70% phần ngân sách giữ lại, nghĩa là khoảng 50 nghìn tỷ đồng, mức này so với đầu tư tại TP HCM là con số rất nhỏ.
Từ cách tiếp cận trên, ông Quốc cũng kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết về cơ chế, chính sách, tài chính đặc thù cho TP HCM; hướng tới hình thành một bộ luật liên quan đến chính sách tài chính, ngân sách đặc thù cho các trung tâm kinh tế phát triển như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng.
"Một quốc gia muốn có những trung tâm kinh tế phát triển ngang tầm khu vực, thì phải có hành lang pháp lý ở tầm cao hơn nghị định, vì nghị định nằm dưới luật nên bị hạn chế bởi các luật khác liên quan", đại biểu Quốc nói.
Theo ông, so sánh Nghị định 48 với dự thảo Luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt của Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thì "các ưu đãi trong nghị định không thể nào vượt qua được dự thảo Luật, thậm chí là thua".
Nghị định 48 có hiệu lực từ ngày 10/6 quy định, với những dự án lớn, quan trọng (về môi trường, giao thông, thủy lợi) vượt quá khả năng ngân sách địa phương, UBND TP HCM được lập dự toán kèm đề nghị gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính. Các bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định hỗ trợ thành phố từ ngân sách Trung ương. Với quỹ đất đang quản lý, thành phố được tạm ứng ngân sách hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách) để đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá thành phố sẽ thu hồi để hoàn trả. Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP HCM để đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, môi trường... và các chương trình khác có khả năng thu hồi vốn. Hàng năm, nếu thu ngân sách Trung ương (từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố) tăng so dự toán được giao, TP HCM được thưởng 30% số này... |