Năm 1979, ông Nguyễn Thiện Luân được điều về làm phó tổng giám đốc Xí nghiệp liên hiệp bột ngọt kiêm giám đốc Nhà máy Thiên Hương. Liên tục sau đó, sản lượng của nhà máy tụt giảm. Ông liền liên doanh với Công ty Cholimex, sử dụng nguyên liệu của đơn vị này để sản xuất bột ngọt theo kiểu vay trước trả sau và chỉ đạo cho nhập khống bột ngọt để hoàn thành kế hoạch trên... sổ sách. Cách làm này sau vài năm đẩy Thiên Hương vào chỗ nợ nần chồng chất.
Tháng 3/1983, đoàn thanh tra của Hội đồng Bộ trưởng vào cuộc xác minh thì ông Luân đối phó bằng cách báo cáo một số cán bộ nhân viên ăn cắp 51,8 tấn bột ngọt. Chị Nguyễn Thị Ao, nguyên thủ kho nhà máy, kể lại, sáng đó vừa đến cơ quan thì chị nhận được quyết định đình chỉ công tác của giám đốc Luân, và lệnh “không được đi ra khỏi nhà máy, chờ cơ quan chức năng đến giải quyết”. Còn quản đốc phân xưởng Sú Chí Sấm thì bị yêu cầu kiểm điểm. Nhưng anh nói không biết gì, và chỉ tường trình về việc nhập khống bột ngọt của nhà máy. Ngay sau đó, anh nhận được quyết định đình chỉ công tác và cùng chị Ao bị giam lỏng tại cơ quan, chờ công an đến giải quyết.
Ông Luân gửi hồ sơ cho công an, bộ chủ quản và đoàn thanh tra. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo Công an TP HCM điều tra, nhưng đến tháng 5/1983, Phòng Cảnh sát kinh tế thành phố không thu được chứng cứ nào về vụ trộm này. Vì vậy, anh Sấm, chị Áo được công an đề nghị cho trở lại nhà máy làm việc.
Ông Luân xoay sang tố cáo các “vi phạm chính trị” của những cán bộ này. Ngày 26/5/1983, ông gửi thư cho anh Sấm: “Mấy hôm rồi nghe nói bên công an giới thiệu anh trở lại nhà máy làm việc... Hôm nay rảnh, nên biên thư đề nghị anh xuống để gặp và bàn bạc công việc. Vậy mong anh xuống ngay. Tôi chờ ở nhà máy”. Nhận thư, anh Sấm tới ngay với hy vọng được sắp xếp công việc. Ông Luân đón anh tại cửa phòng, vui vẻ mời trà, thuốc, rồi bỏ ra ngoài. Lập tức có hai cán bộ Phòng An ninh kinh tế thành phố xông vào phòng tuyên bố: “Anh đã bị bắt kể từ giờ phút này”, vì tội tham ô 51,8 tấn bột ngọt.
Chị Ao cùng anh Diệp Văn Đạo (cán bộ Công ty Cholimex) cùng bị bắt chiều đó với tội danh tương tự. Một tháng sau, lần lượt anh Lê Hùng, Lưu Nhi Não, Lương Cẩu và Thái Thanh Tòng cùng vào trại tạm giam để điều tra về tội “phá hoại” nhà máy. Họ đều là công nhân lành nghề bậc 6-7/7, cùng có thái độ phản đối vụ bột ngọt mất cắp. Họ bị tạm giam từ tháng 5/1983 đến 12/1985.
Các nạn nhân của vụ này, sau khi được giải oan, được nhà máy Thiên Hương đền bù một phần tiền lương trong gần 3 năm ở tù, và mời về làm việc trở lại. Nhưng chỉ có chị Ao, bị liệt nửa người sau khi ra tù, không tìm được việc khác, nhận về làm lao công. Còn anh Sấm từ chối, xin sang làm cho Công ty liên doanh Sài Gòn – VeWong, và từ 1993 đến nay là giám đốc nghiệp vụ bán hàng của công ty... Tuy nhiên từ đó đến nay, các nạn nhân chưa hề được cơ quan tố tụng mời lên xin lỗi hoặc phục hồi danh dự.
Ngày 9/8/1991, đoàn thanh tra thuộc Tổng thanh tra Nhà nước đã có kết luận về vụ vu khống nghiêm trọng trên. Thanh tra kiến nghị xử lý nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc cách chức ông Nguyễn Thiện Luân, lúc đó đã lên chức thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, tất cả đã rơi vào im lặng. Bộ này cùng bộ thủy lợi, lâm nghiệp sáp nhập thành Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, ông Luân vẫn giữ chức thứ trưởng. Cho đến khi xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh, ông Luân mới bị buộc về hưu.
(Theo Tuổi Trẻ)