- Ông đánh giá thế nào về chiến thắng 2-1 của Việt Nam trước Philippines ở lượt đi bán kết AFF Cup 2018 hôm qua?
- Lối chơi của Philippines mang tính thực dụng cao, dùng sơ đồ 4-4-2 tấn công biên và chuyền dài nhiều, chứ không phối hợp đập nhả. Nhiều người nói cách đá của Philippines sẽ gây khó khăn cho Việt Nam, nhưng ở chiều ngược lại, chính kiểu tấn công trung lộ của Việt Nam cũng khiến đối thủ toát mồ hôi. Thực tế trận đấu, đặc biệt là hiệp một diễn ra đúng như vậy. Philippines không gây được nguy hiểm cho Việt Nam, bởi họ chỉ câu bóng cầu âu vào cấm địa của chúng ta. Khi chơi chặt chẽ, đứng đúng vị trí, bọc lót cho nhau tốt, hàng thủ Việt Nam dễ dàng vô hiệu hóa những đường bóng này.
Lối chơi tấn công đa dạng và tinh thần chiến đấu giúp Việt Nam có chiến thắng trên chân Philippines. Sau khi bị dẫn lần hai, Philippines rất cố gắng tìm bàn gỡ, nhưng cầu thủ Việt Nam đã chơi tập trung và giữ được thắng lợi tới phút cuối.
- Việt Nam kiểm soát bóng nhiều hơn và pressing tầm cao trong nửa đầu hiệp một. Phải chăng HLV Park Hang-seo muốn đánh phủ đầu đối thủ?
- Tôi để ý thấy các hậu vệ Philippines cao to nhưng xoay sở chậm. Họ dễ bị cuống nếu cầu thủ Việt Nam bất ngờ ập vào từ sau lưng hoặc bị quây bởi hai, ba cầu thủ. Sau vài phút đầu bị pressing như vậy, Philippines buộc phải đá bóng dài, và khi chuyền vội vàng, đương nhiên tính chính xác bị giảm đi đáng kể. Philippines không thể thoải mái lên bóng, giống như trận gặp Thái Lan. Họ bị động trong lối chơi và ở chừng mực nào đó, khoảng trống sẽ xuất hiện để Việt Nam khai thác.
- Ba trong số năm trận đã đấu ở AFF Cup, Việt Nam có bàn thắng trong 15 phút đầu trận. Ông nhận xét như thế nào về sự trùng hợp này?
- Đây là ý đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo, bởi 15 phút đầu trận luôn là quãng thời gian dễ ghi bàn. Cầu thủ sẽ rơi vào hai trạng thái trong lúc này, hoặc rất hưng phấn để chứng tỏ khả năng, hoặc bị ngợp trước không khí trận đấu. Thêm vào đó, chọn tấn công đầu trận còn là cách để ông Park tận dụng thể lực của các cầu thủ khi sung sức nhất. Trong trường hợp tấn công nhưng chưa ghi được bàn, Việt Nam vẫn còn cơ hội phản công trong thời gian này bởi đối thủ vừa lấy lại tự tin và muốn trả đòn chúng ta. Khi hai đội cùng tấn công như vậy, đội nào tỉnh táo hơn sẽ dễ có bàn thắng hơn. Về điểm này, Việt Nam phần nào chứng tỏ được bản lĩnh.
- Cả hai bàn thắng của Việt Nam khi gặp Philippines đều đến theo một kịch bản, là hậu vệ biên chuyền bổng cho tiền đạo phá bẫy việt vị. Tại sao một miếng tấn công hay như vậy bây giờ mới xuất hiện, thưa ông?
- Tôi rất ấn tượng với pha lập công của Văn Đức. Cách di chuyển không bóng của em ấy trong tình huống đó mang đặc trưng của SLNA. Đó có thể là điểm mà HLV Park Hang-seo đã phát hiện ra và áp dụng thành công khi đối đầu Philippines. Cũng phải nói thêm rằng Thái Lan cũng từng tấn công theo cách này và ghi nhiều bàn bằng những quả leo biên như vậy để phá bẫy việt vị.
Bàn của Anh Đức mang phong cách của một trung phong điển hình. Khi xếp một tiền đạo có chiều cao và không chiến tốt như Anh Đức đá cắm, tất cả tiền vệ và hậu vệ cánh đều sẽ có xu hướng chuyền những đường bóng như vậy. Tôi tin ông Park đã nhiều lần yêu cầu học trò thực hành cách phối hợp đó trên sân tập, và Việt Nam đã thành công ngay trong lần đầu tiên áp dụng khi thi đấu. Tính thời điểm trong miếng đánh này rất quan trọng. Cả Văn Hậu lẫn Anh Đức gần như cùng thực hiện một lúc, người này vừa quan sát thì người kia đã chạy chỗ. Tới khi Anh Đức thoát xuống, quả bóng treo đến rất vừa tầm. Cậu ấy còn đủ thời gian để nhìn thủ môn Philippines lên hơi cao, và quyết định đánh đầu luôn. Đó là bàn thắng của kinh nghiệm, đến từ sát thủ hàng đầu V-League nhiều năm trở lại đây.
Cách tấn công bằng những đường chuyền vượt tuyến từ hậu vệ biên không mới, nhưng Việt Nam gây được bất ngờ cho đối thủ bởi hai lẽ. Thứ nhất, chúng ta thường lên bóng ở trung lộ từ đầu giải. Thứ hai, là hệ quả từ điều đầu tiên, Philippines là đội đầu tiên phải đối phó với cách tiếp cận này của Việt Nam nên họ lúng túng. Thực tế, Philippines đã luôn dùng bài này để tấn công, nhưng vì họ đá biên thành ra tính bất ngờ bị giảm đi. Còn Việt Nam là chuyền có thời điểm, tính đột biến đương nhiên cao hơn hẳn.
- HLV Park Hang-seo đã tung cả hai tiền đạo dự bị là Đức Chinh và Công Phượng vào sân trong hiệp hai. Tỷ số 2-1 dường như chưa làm ông Park hài lòng?
- Ai cũng tiếc vì pha bỏ lỡ cuối trận của Công Phượng, khi sút ra ngoài dù đã loại bỏ hoàn toàn thủ môn và hậu vệ đối phương. Tôi nghĩ cảm giác của HLV Park Hang-seo cũng vậy thôi. Ông ấy tính được rằng hàng phòng ngự lớn tuổi của Philippines sẽ sa sút thể lực vào cuối trận nên để dành những cầu thủ trẻ, có tốc độ tốt. Con tính này của ông Park rất chuẩn, chỉ tiếc là không được cụ thể hóa bằng bàn thắng. Dẫu sao, tỷ số 2-1 cũng là thành công với Việt Nam.
- Philippines nổi tiếng là không chiến tốt nhưng gần như không thể chơi lật cánh đánh đầu trước Việt Nam. Tại sao như vậy, thưa ông?
- Thứ nhất, tuyến phòng ngự của Việt Nam đứng thấp gần như trong cả trận. Thứ hai, ông Park đã xếp Hùng Dũng và Đức Huy, những cầu thủ có khả năng tranh chấp tốt vào hàng tiền vệ. Cuối trận, thậm chí Huy Hùng còn được vào sân để tăng cường chất thép. Philippines gần như bị gãy tuyến giữa trước sự áp sát của Việt Nam. Tôi tin là Philippines cũng muốn lên bóng qua tiền vệ, nhưng thực tế không làm được, thành ra phải chuyền bổng nhiều lên phía trên. Một nguyên nhân khác là những quả đột phá của Philippines trận này không thật sắc. Khi họ không thể đưa bóng xuống sâu phần sân Việt Nam, những quả tạt trở nên ít nguy hiểm. Đó có lẽ là hệ quả từ việc họ mất năm cầu thủ.
- Có cảm giác Việt Nam vẫn còn giấu những quân bài trong tay áo khi Văn Quyết, Tiến Linh, Xuân Trường không vào sân tối 2/12. Đây có phải "của để dành" mà HLV Park Hang-seo muốn sử dụng cho bán kết lượt về?
- Tôi để ý thấy những cái tên này có xu hướng đá sân nhà tốt hơn sân khách. Một cầu thủ khác, ngoài ba người trên, không đá chính khi gặp Philippines nhưng gần như chắc chắn xuất phát từ đầu trận lượt về là Công Phượng. Ông Park đã tính chi tiết việc sử dụng ai, thời điểm nào để phát huy tối đa năng lực. Bán kết AFF Cup có hai trận lượt đi và về. Rõ ràng Việt Nam không thể ném hết vốn vào một trận đấu. Bên cạnh đó, việc xoay tua đội hình giúp hàng công luôn được làm mới. Cầu thủ có thêm động lực để tập luyện và sẵn sàng đá hết mình khi vào sân.
Thắng Nguyễn