- Ông đánh giá thế nào về một điểm mà Việt Nam giành được trên sân của Myanmar?
- Theo dõi trận đấu, tôi thấy Việt Nam đủ khả năng tạo ra một chiến thắng, thậm chí thắng mãn nhãn. Chúng ta có nhiều tình huống sút cầu môn hơn hẳn, khiến thủ môn của Myanmar phải vất vả chống đỡ. Cả ba tuyến của Việt Nam đều thi đấu kết dính. Theo tôi, gặp Myanmar là trận hay nhất của Việt Nam kể từ khi AFF Cup 2018 khởi tranh. Bất chấp sức ép lớn từ CĐV đối phương, cầu thủ Việt Nam đã thi đấu hưng phấn, tự tin, và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Điều đáng tiếc duy nhất là Việt Nam không gặp may. Tuy nhiên, nếu bỏ qua diễn biến trận đấu, việc giành được một điểm trên sân Myanmar cũng là quá tốt. Cần nhớ, đó là đối thủ cạnh tranh trực tiếp tấm vé vào bán kết với chúng ta. Khả năng đi tiếp của Việt Nam là rất sáng vì chỉ cần hoà trận cuối cùng với Campuchia trên sân nhà Hàng Đẫy. Nếu thắng đậm, chúng ta thậm chí còn giành lại đỉnh bảng từ tay Myanmar.
- Ông thấy nét gì tích cực sau trận hoà Myanmar của Việt Nam?
- Nếu thắng Myanmar, chúng ta sẽ đánh bại cả hai đội mạnh nhất bảng A, và rất dễ rơi vào trạng thái chủ quan, coi thường Campuchia ở lượt cuối. Trong khi đó, vì hoà Myanmar, Việt Nam buộc phải tập trung khi tiếp Campuchia. Nếu thắng giòn giã đối thủ này, cầu thủ Việt Nam không những được thêm sự cổ vũ từ khán giả, mà còn tránh được sự xao nhãng trước vòng bán kết sẽ diễn ra sau đó một tuần.
Hoà Myanmar cũng giúp cầu thủ Việt Nam giữ đôi chân trên mặt đất, thay vì bị tung hô quá đà. Ở những kỳ AFF Cup trước đây, chúng ta thường chơi vòng bảng rất tốt, nhiều lần còn giành vé sớm, nhưng lại có dấu hiệu bị khớp ở những trận đấu loại trực tiếp. Nguyên nhân có thể là từ việc Việt Nam không duy trì được sự tập trung và có tâm lý thả lỏng sớm. Chúng ta đá trên chân nhưng không thắng được Myanmar sẽ buộc cầu thủ phải suy nghĩ về khả năng thực sự của mình: Liệu đá như thế đã hay thật chưa? Đã đủ sức vô địch chưa?... rồi từ đó, ban huấn luyện sẽ có những điều chỉnh.
Trận gặp Myanmar, Việt Nam không ở thế buộc phải thắng. Có điều, nhìn từ diễn biến trên sân, ai cũng thấy là toàn đội muốn đánh bại đối thủ này. Việc không đạt được mục tiêu đề ra sẽ giúp Việt Nam tránh được tâm lý tự mãn. Đó là điều tối kỵ với một giải đấu kéo dài nhiều ngày như AFF Cup.
- Việt Nam ép sân và tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn trước Myanmar nhưng không dứt điểm thành công lần nào. Đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này, thưa ông?
- Dễ thấy nhất chính là thiếu may mắn. Văn Toàn đưa bóng vào lưới Myanmar nhưng không được công nhận, hoặc Văn Đức sút bóng trúng cột dọc trong hiệp một. Ngoài ra, khả năng dứt điểm cũng có chút vấn đề. Nhiều pha bóng, khung thành Myanmar đã rộng mở, nhưng cầu thủ của chúng ta lại sút vào giữa, thay vì đưa bóng hiểm hơn. Nguyên nhân cuối cùng, cũng là bắt nguồn từ ý trên, đó là cầu thủ trong tay HLV Park Hang-seo còn quá trẻ. Việt Nam dự AFF Cup 2018 với 15 cầu thủ ở độ tuổi U23. Các em rất dễ mất bình tĩnh và thiếu lạnh lùng ở những thời khắc quyết định. Ngay cả Quang Hải, một người đã chinh chiến nhiều giải từ U19, U23 châu Á, U20 World Cup, và mới nhất là Asiad, cũng sút bóng lên trời ở quả phạt ngon ăn cuối trận. Những điểm này rõ ràng cần có thời gian để khắc phục và rèn luyện thêm.
- Ông nhận xét gì về những phương án được HLV Park Hang-seo lựa chọn trên hàng công trận này?
- Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn trước Myanmar. Điều này đủ nói lên rằng hàng công chúng ta đã chơi tốt, gồm cả việc chạy chỗ, kiểm soát bóng và phối hợp. Chỉ có điều đáng tiếc là hiệu suất chưa thật cao. Nếu chọc thủng lưới Myanmar, dù chỉ một lần, tôi nghĩ Việt Nam còn tấn công hay hơn nữa.
- Việt Nam đã tấn công tốt hơn trong hiệp hai. Phải chăng đó là hệ quả từ việc Trọng Hoàng và Hùng Dũng được tung vào sân?
- Có thể là như vậy. Tôi để ý thấy, kể từ khi Trọng Hoàng vào sân, Việt Nam có nhiều tình huống xuống biên phải rồi tạt vào cấm địa hơn hẳn hiệp một, thời điểm Văn Đức giữ cánh này. Tuy nhiên, Việt Nam dồn ép được Myanmar trong hiệp hai, một phần đến từ việc thể lực của đối thủ đi xuống. Nhiều cầu thủ Myanmar có dấu hiệu căng cơ khi cố đeo bám cầu thủ Việt Nam. Trong khi đó, thể lực của Việt Nam được đảm bảo đến tận phút cuối. Cầu thủ chúng ta vẫn có thể tăng tốc, hãm thành ở phút bù giờ. Điều ấy chứng tỏ, về sức, Việt Nam hơn hẳn Myanmar.
- Trận hoà Myanmar khiến nhiều người nhớ lại trận hoà trên thế thắng của Việt Nam trước Indonesia ở SEA Games 29, rồi sau đó bị loại. Ông có thấy lo lắng về hành trình tiếp theo của đội tuyển ở AFF Cup 2018?
- Tình thế bây giờ và cách đây một năm khác nhau rất nhiều. Việt Nam hoà Myanmar nhưng cửa chúng ta rất sáng vì chỉ phải gặp Campuchia, trong khi ở SEA Games 29, đối thủ ở trận cuối lại là Thái Lan. Cùng chỉ cần hoà là đi tiếp, nhưng giành điểm trước Campuchia dễ hơn nhiều so với giành điểm trước Thái Lan.
Tôi nghĩ con tính của ban huấn luyện Việt Nam lúc này dồn cả vào việc giành đỉnh bảng, chứ không phải là đi tiếp. Kế đó là phân tích đối thủ sẽ gặp ở bán kết. Ngoại trừ Indonesia đang ở cửa tử, Thái Lan, Philippines và Singapore đều có khả năng đụng độ Việt Nam. Với từng đối thủ, chúng ta lại cần đối sách khác nhau.
- Qua những gì Malaysia và Myanmar đã thể hiện khi gặp Việt Nam, có vẻ đây không phải là những đội bóng mạnh như đồn đoán?
- Kết luận một đội bóng mạnh hay yếu còn tuỳ thuộc vào đối thủ họ đương đầu, thậm chí là tình thế ở bảng đấu. Sau hai trận Việt Nam gặp Malaysia và Myanmar, chỉ có thể nói rằng đây đều là những đội đủ sức gây khó chịu cho Việt Nam. Họ biết cách tổ chức trận đấu, biết phòng ngự và đeo bám rát, dù khả năng tấn công chưa mấy ấn tượng.
Thay vì nghĩ đối thủ yếu, tôi thích nghĩ ngược lại, rằng Việt Nam có trình độ nhỉnh hơn họ. Chính bởi lối đá ban bật nhỏ, tấn công tốc độ và nhiều cầu thủ tấn công giàu đột biến của Việt Nam đã buộc các đội lộ ra điểm yếu. Dù vậy, hành trình ở AFF Cup còn dài. Chúng ta hơn họ hiện tại nhưng chưa chắc thắng họ nếu gặp lại ở vòng trong.
Thắng Nguyễn