Bên hành lang kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa IX ngày 7/12, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết, khảo sát tỷ lệ ngân sách giữ lại trước đây thấp nhất là Tokyo, Nhật Bản, với 30%. Tỷ lệ cao nhất 60% thuộc về một thành phố của Na Uy.
Với tỷ lệ điều tiết ngân sách đang thấp nhất thế giới, TP HCM đang triển khai xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỷ lệ để lại tổng ngân sách cho thành phố 33%, theo lộ trình trong vòng 10 năm. Việc này để bảo đảm thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Liên quan vấn đề này, hôm 26/11, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị UBND thành phố xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỷ lệ để lại tổng ngân sách cho thành phố từ 18% lên 33% theo lộ trình.
Cụ thể, từ 2018-2020, tỷ lệ điều tiết là giữ nguyên 18% (Quốc hội đã quyết định); giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ điều tiết là 24%; giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ điều tiết là 33%. Đây cũng là mức điều tiết bằng mức điều tiết so với năm 2003.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cử tri TP HCM cho rằng tỷ lệ giữ lại 18% hiện nay là quá thấp. Thành phố sẽ gặp khó khăn trong việc chăm lo cho đời sống người dân cũng như đầu tư phát triển.
TP HCM luôn là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Năm 2019 thành phố phải thu gần 400.000 tỷ đồng - cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng).
Uớc thu ngân sách của TP HCM năm nay đạt hơn 412.000 tỷ đồng - vượt 3,3% chỉ tiêu (400.000 tỷ đồng) được giao, chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước. Năm sau, thành phố được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách hơn 405.800 tỷ đồng.
Trung Sơn