Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa gửi Thủ tướng văn bản góp ý về dự thảo thay thế Nghị định 86 quy định hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách bằng ôtô dưới 9 chỗ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để tạo điều kiện cho công nghệ số đem lại lợi ích mới cho xã hội, đặc biệt thúc đẩy cạnh tranh qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, các nước như Anh, Singapore, Indonesia... đều đã nỗ lực xây dựng và cải thiện các mô hình quản lý mới. Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ pháp lý mới.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra 4 đề xuất cho dự thảo thay thế Nghị định 86. Thứ nhất, cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet... là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.
Với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, ông cho rằng, ba chủ thể có vai trò chi phối chính gồm công ty vận tải taxi, người dân và cơ quản lý nhà nước. Với mô hình taxi công nghệ, xuất hiện thêm một chủ thể là đơn vị cung cấp nền tảng. Trong 4 chủ thể, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp cung cấp một loại dịch vụ tương đương taxi.
Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả công đoạn như hoạt động của taxi truyền thống. Mỗi chủ thể chỉ cung cấp một số công đoạn. Trên cơ sở những lợi ích thực sự mà mô hình kinh doanh mới đem lại cho người dân, được xã hội thừa nhận, Bộ trưởng cho rằng cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.
Do đó, Bộ trưởng Hùng đề nghị thêm vào điều 3 dự thảo Nghị định mới nội dung: "Đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải là đơn vị kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách, sử dụng công nghệ số giúp hành khách có nhu cầu vận tải tìm được đơn vị vận tải có khả năng cung cấp. Tất cả giao dịch đều diễn ra trong môi trường số".
Thứ hai, Bộ trưởng đề xuất, để quản lý chủ thể cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải, cần có những quy định riêng và phù hợp với chủ thể này, đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện. Ông đề nghị, bổ sung thêm quy định quản lý với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải như các công đoạn thông qua môi trường số để kinh doanh taxi, minh bạch về giá cước và quãng đường, cung cấp công cụ giám sát cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm tra....
Thứ ba, để quản lý nhà nước với những hoạt động sử dụng công nghệ, cơ quan quản lý cần sử dụng chính công nghệ để quản lý và giám sát.Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có "bảng đèn hiệu" hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lý có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe đang tham gia mô hình.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển... Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. "Đây là một hình thức dùng công nghệ để hậu kiểm thay vì tiền kiểm", Bộ trưởng nhận định.
Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng, thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ, cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống.Ông đánh giá, việc yêu cần gắn biển điện tử với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ như dự thảo mới nhất sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải. Việc này sẽ đưa thị trường trở lại thời điểm trước khi taxi công nghệ xuất hiện.
Do đó, cơ quan quản lý có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị taxi truyền thống bằng các quy định mới phù hợp. Bộ trưởng Hùng lấy ví dụ, thay vì sử dụng giá niêm yết, hãng taxi truyền thống và khách có thể thỏa thuận giá cho phù hợp nhu cầu ở thời điểm đó khi khách hàng đặt xe thông qua phần mềm của hãng. Trong khi đó, giá niêm yết vẫn được áp dụng cho trường hợp khách vẫy và vận chuyển qua đồng hồ.
Trước đó, tại một sự kiện hồi tháng 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ ví dụ Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống...
"Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách, nhiều hơn là cách mạng về công nghệ", ông Hùng cho hay.
Sau 8 lần sửa đổi dự thảo thay thế Nghị định 86, trong bản dự thảo mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, ôtô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử như Grab, FastGo... phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm. Tài xế xe hợp đồng điện tử chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính hoặc tại một địa điểm cố định khác...
Trước Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp cũng góp ý, bỏ quy định xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải gắn bảng điện tử với chữ "Xe hợp đồng" cố định trên nóc xe vì cho rằng quy định này không cần thiết. Bộ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại khái niệm kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Anh Tú