Quan điểm trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nêu trong buổi làm việc với Ngân hàng Quân đội (MB) ngày 26/9. Đây là một trong những cuộc làm việc của đơn vị dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia với các doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số.
Thực tế, ranh giới của hoạt động tài chính ngân hàng đang bị xoá bỏ nhanh chóng trong kỷ nguyên số khi đối thủ của họ có thể đến từ bất kỳ lĩnh vực nào. Nhiều hãng công nghệ như thương mại điện tử, ví điện tử, ứng dụng gọi xe... có trong tay dữ liệu chi tiêu của người dùng cũng đang trở thành những đối thủ tiềm năng.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngân hàng muốn mở rộng thêm không gian số cần phải tìm "bạn" chứ không thể đi một mình.
Thay vì xem nhau như đối thủ, các nhà băng có thể hợp tác với nhau để cùng tạo ra tập dữ liệu định danh số dùng chung. Họ cũng có thể xem Mobile Money (tiền điện tử do các hãng viễn thông phát triển) như một kênh giáo dục thói quen tài chính cho người chưa có tài khoản ngân hàng.
"Sau nhiều lần người dân quen với các giao dịch trực tuyến nhỏ lẻ, họ sẽ tìm tới ngân hàng. Chỉ bằng cách đó, ngân hàng số mới có thể phát triển hàng triệu khách hàng mới một cách nhanh chóng", ông phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) thấy ngân hàng phải trở thành nền tảng và đồng thời định hình lại các mối quan hệ - không coi các hãng công nghệ là đối thủ cạnh tranh mà gia tăng việc nhúng nền tảng vào các ứng dụng của họ.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng phản ánh việc số hoá hay hợp tác với các đơn vị thứ ba đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về hành lang pháp lý. Nhìn nhận theo góc độ tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành chính là một trong những dấu hiệu nhận dạng chuyển đổi số.
Ông cho rằng, các quy định "bảo thủ" giúp giữ ổn định an toàn hệ thống và cũng là bước sàng lọc và thử thách cho những ý tưởng tốt. Cách chiến đấu với pháp lý là đưa ra giải pháp hay hơn để có thể thay thế những quy định hiện hành. Hành lang pháp lý chưa được như mong muốn nhưng cũng có nhiều cơ chế thí điểm. Ông động viên: "Ngân hàng cứ phải bắt tay vào làm, vướng đâu giải quyết tiếp".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với các lãnh đạo của MB rằng, không nên coi ngân hàng số chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực ngân hàng. "Ngân hàng số là việc xây dựng nên một công ty công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng để giải quyết những 'nỗi đau' trong xã hội. Có nghĩa là, ngân hàng số phải là một bộ phận hoàn toàn độc lập, có không gian, mục tiêu riêng chứ không phải chỉ là công cụ để bán hàng", ông nói.
Trong hơn 30 ngân hàng hiện nay, mới chỉ một vài nhà băng có khối riêng về ngân hàng số như MB, VPBank, Techcombank... Đôi khi, thực tế cho thấy, ở một số ngân hàng, mảng ngân hàng số thậm chí có thể chồng lấn với mảng phát triển khách hàng cá nhân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Dũng nói rằng, để phá vỡ các yếu tố mang tính cục bộ và rời rạc trong ngân hàng, thay vì tạo ra một đơn vị nhỏ để thực hiện chuyển đổi số cả một tập đoàn lớn, hãy để chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ. Chuyển đổi số ngân hàng nên dựa trên nền tảng công nghệ thống nhất, tập trung dữ liệu và kết nối hệ thống tất cả phòng ban liên quan.
Đồng thuận với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, mục tiêu của chuyển đổi số là tạo ra những giá trị mới, từ doanh thu mới, khách hàng mới đến sản phẩm mới. Tuy nhiên, ông Lưu Trung Thái cũng thừa nhận ngành ngân hàng đang gặp nhiều thách thức về việc sắp xếp tổ chức cũng như tuyển dụng nhân sự phù hợp với yêu cầu mới, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa hiện nay.
Những "nỗi đau" của xã hội ngân hàng số cần giải quyết mà ông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới trước đó được ông Nguyễn Huy Dũng bổ sung: "Đó là làm sao để một người nông dân không có lịch sử giao dịch với ngân hàng – cũng có thể vay được tiền mua hạt giống và thuốc trừ sâu dễ dàng", ông nói.
Nếu ngân hàng không giải quyết được bài toán này sẽ có người khác nhảy vào. Một khi tiền đã đi vào hệ sinh thái của những đơn vị không phải ngân hàng, theo ông Dũng, sẽ khó đi ra khỏi hệ sinh thái, ảnh hưởng tới dòng tiền chảy vào hệ thống.
Do vậy, từ góc độ của người làm công nghệ, ông cho rằng giới ngân hàng cần phải thay đổi cách tiếp cận với người dân. Thay vì dựa vào lịch sử giao dịch trong quá khứ là yếu tố chính để cho vay, các ngân hàng được gợi ý nên tính tới việc đánh giá khả năng trả nợ trong tương lai.
Ông Dũng lấy ví dụ ở Trung Quốc – đất nước nói không với tiền mặt, một bà chủ cửa hàng thịt bò trên sàn thương mại điện tử có thể chuyển đơn hàng thành thành tiền mặt thông qua một khoản vay vi mô ngắn hạn bằng dịch vụ điện tử. Dịch vụ này có tên là 310, nghĩa là mất 3 phút để làm thủ tục một khoản vay, 1 giây để chuyển tiền và không có sự can thiệp thủ công nào. Kết quả, 99% khoản vay được trả nợ đúng hạn.
Quỳnh Trang