Tại phiên họp thường niên chiều 27/6, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế - đang tỏ ra lạc quan hơn nhiều thực tế.
"Nếu các nhà phân tích ngồi lại để dự báo nền kinh tế sắp tới sẽ như thế nào, dựa vào gì để tăng trưởng, sẽ thấy còn nhiều vấn đề. Các gói hỗ trợ, nền tảng giúp nền kinh tế phục hồi, đang khó giải ngân. Còn thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ dòng tiền thừa của nền kinh tế", ông Hưng nói.
"Dòng tiền thừa" theo lý giải của người đứng đầu SSI là dòng tiền từ người dân "không biết tiêu gì" trong giai đoạn giãn cách xã hội. Khi nền kinh tế dừng hoạt động, các hoạt động cá cược, các loại hình đầu tư khác cũng bị dừng, trong khi các kênh đầu tư khác không hấp dẫn do lãi suất thấp. Điều này dẫn tới chứng khoán trở thành kênh đầu tư được ưu ái và cũng là lý do cho sự bùng nổ của "những nhà đầu tư F0".
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng những nhà hoạch định tài chính "không thể nhìn cái đang diễn ra để đưa ra dự báo dài hạn".
Kinh tế Việt Nam có thể không tăng trưởng nhanh như trước, biến động bất thường từ thị trường thế giới, rủi ro từ nguy cơ bùng phát trở lại của Covid-19 đang là những yếu tố không chắc chắn. "Mọi người chỉ cần lên máy bay đến các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, đến các khu công nghiệp sẽ thấy được tình hình thực tế xấu hơn nhiều thị trường chứng khoán", ông Hưng nói và cho biết những yếu tố này khiến ban lãnh đạo SSI thận trọng trong việc đặt kế hoạch.
Lợi nhuận nửa đầu năm tăng gần 30% cùng kỳ nhưng kế hoạch cả năm của SSI đặt ở mức thận trọng, giảm hơn 20% so với thực hiện năm 2019.
Đặt kế hoạch thấp vì thận trọng trong nửa cuối năm nhưng ban lãnh đạo SSI cũng hy vọng nếu thị trường chứng khoán không có biến động quá xấu, quá khủng khiếp, công ty sẽ vượt kế hoạch. "Chúng tôi hy vọng kế hoạch đặt ra như vậy là quá thấp so với diễn biến thị trường đặt ra từ giờ đến cuối năm", ông Hưng nhận xét.
Nói về câu chuyện thị phần khi "sức nóng" trên thị trường chứng khoán tăng nhiệt với sự cạnh tranh từ các công ty vốn ngoại, ông Hưng nói rằng không chỉ hiện nay mà điều này đã là câu chuyện trong 20 năm tham gia thị trường của SSI. Việc cạnh tranh bằng các ưu đãi trong ngắn hạn có thể lôi kéo được một bộ phận nhà đầu tư, nhưng về lâu dài, mọi người sẽ vẫn hướng tới những vấn đề cốt lõi là chất lượng dịch vụ và uy tín.
Như trường hợp cho vay ký quỹ (margin), quan điểm của người đứng đầu SSI là các ưu đãi về lãi suất giúp nhà đầu tư có điều kiện tham gia thị trường, nhưng margin không phải lá phiếu đảm bảo lợi nhuận. Sử dụng đòn bẩy giúp mang lại lợi nhuận cao nhưng ngược lại, cũng là rủi ro.
"Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhìn câu chuyện lợi nhuận dựa trên biến động cổ phiếu, những ưu đãi về vay margin chỉ là một công cụ không phải cứ dùng margin mua cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó có lãi", ông Hưng nói.
Trước câu hỏi của cổ đông về biên lợi nhuận mảng môi giới - mảng kinh doanh mà SSI giữ thị phần số một - gần như không có lãi, ông Hưng cho rằng với cách cạnh tranh như hiện tại thì rất khó có công ty nào có biên lợi nhuận cao.
Với SSI, công ty định hướng không tăng biên lợi nhuận bằng cách tăng phí, thay vào đó là cạnh tranh bằng các sản phẩm mới, người môi giới không chỉ đi bán dịch vụ môi giới cổ phiếu mà bán thêm các dịch vụ khác. Đồng thời công ty cũng đặt mục tiêu thay đổi hệ thống hỗ trợ, chuẩn hóa đội ngũ môi giới.
Với mảng tự doanh, định hướng của SSI là thu hẹp hoạt động tự doanh trên sàn. "SSI không có lợi thế gì đặc biệt với mảng tự doanh, không có gì đảm bảo lúc nào cũng có lãi. Trong khi đó, việc tham gia tự doanh tạo những hoài nghi của thị trường về vai trò của công ty chứng khoán", ông Hưng nói và cho biết SSI sẽ chỉ tham gia tự doanh để phục vụ cho mảng chứng quyền hoặc một số thương vụ mà công ty bắt buộc cần có mảng này hỗ trợ.
Minh Sơn