Chia sẻ tại phiên họp thường niên chiều 6/6, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho rằng dịch bệnh khiến sức mua của nền kinh tế giảm mạnh. Ngay cả khi dịch được kiểm soát, suy giảm vẫn có thể kéo dài thêm vài năm vì hiệu ứng domino của các yếu tố như xuất khẩu đi xuống, người lao động mất công ăn việc làm hoặc bị cắt thu nhập. Các doanh nghiệp trước mắt được hưởng lợi nhờ dịch bệnh cũng sẽ khó khăn trong dài hạn khi tổng cầu sụt giảm.
"Khó khăn bủa vây nên doanh nghiệp dịch vụ nào bảo vệ được 80% lợi nhuận năm trước là giỏi. Nếu đạt 90% có thể xem xuất sắc, còn 100% là thần thánh", ông Tài nói. Đồng thời, ông cho biết tình hình vĩ mô hiện nay khiến kế hoạch kinh doanh của công ty không còn dữ dằn và máu lửa như năm trước.
Công ty dự kiến doanh thu tăng trưởng 8%, lên 110.000 tỷ đồng nhờ tích cực chuyển đổi các cửa hàng từ chuỗi điện thoại sang điện máy và mở rộng chuỗi bách hoá. Lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 90% năm trước, còn 3.450 tỷ đồng với giả định dịch được kiểm soát từ cuối tháng 4 và không có làn sóng quay lại trong những tháng cuối năm khiến hoạt động bị gián đoạn.
Theo ông Tài, kế hoạch này là thách thức đòi hỏi nỗ lực chiến đấu rất lớn. Dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm của hoạt động bán lẻ và hai chuỗi điện thoại, điện máy không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu do các sự kiện thể thao quan trọng đã dời sang năm 2021. Trong khi đó, hoạt động bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu được xem là trụ cột tăng trưởng trong tương lai vẫn trong giai đoạn đầu mở rộng và chưa mang lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, dịch bệnh cũng là cơ hội cho công ty tiếp tục gia tăng thị phần vì những nhà bán lẻ không đủ tiềm lực tài chính sẽ sớm phải rời bỏ thị trường.
"Trong khi nhiều doanh nghiệp bán lẻ loay hoay tìm cách hồi phục thì tuần cuối tháng 4, tức hết giãn cách xã hội, doanh thu chuỗi điện máy của chúng tôi tăng khủng khiếp. Tháng 5 vào mùa nóng nên phải nói là đại thắng", ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT Thế Giới Di Động cho biết.
Lãnh đạo công ty cho biết, chuỗi điện thoại đang chiếm 50% thị phần nhưng khả năng tăng thêm không nhiều vì thị trường bão hoà, một số hãng cũng hoãn kế hoạch ra mắt sản phẩm mới. Chuỗi điện máy mới chiếm khoảng 38% thị phần, do đó, cơ hội mở rộng còn rất lớn thông qua việc tăng số lượng cửa hàng hoặc kinh doanh các sản phẩm mới. Các ngành hàng của chuỗi này tăng trưởng bình quân 15-20% trong 5 tháng đầu năm, cá biệt ngành laptop và điều hoà tăng trên 100% vì nhu cầu làm việc tại nhà và vào cao điểm nắng nóng.
Đối với chuỗi bách hoá, mục tiêu quan trọng nhất là tăng độ phủ cửa hàng ở các tỉnh miền Nam, Nam Trung Bộ để lấy thị phần và xây dựng thêm trung tâm phân phối để phục vụ cho từng cụm 50-100 cửa hàng.
Nhìn về dài hạn, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho rằng từng nghĩ về kế hoạch doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2022. Con số này không khó với một doanh nghiệp bán lẻ nhiều nhóm hàng như Thế Giới Di Động, thậm chí có thể còn vượt xa hơn. Khi triển khai chuỗi bách hóa để làm động lực tăng trưởng dài hạn, công ty lường trước khó khăn nhưng không nghĩ sẽ phát sinh nhiều vấn đề và mất thời gian giải quyết như hiện nay.
"Bây giờ quy mô chúng ta khoảng 5 tỷ USD. Mục tiêu 10 tỷ USD có thể chậm lại. Nếu chuỗi bách hoá phát triển nhanh thì trong 3-4 năm tới có thể sẽ đạt được", ông Doanh nói.
Phương Đông